1. Tài chính

Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Ảnh tư liệu minh họa.

Báo cáo này xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ, đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với nước này trong 4 quý vừa qua, tính đến tháng 6/2024.

Việt Nam nằm trong “danh sách giám sát”

Ba tiêu chí do Bộ Tài chính nước này đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; thặng dư cán cân vãng lai; can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Cụ thể, hai tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ không quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.

Nếu một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí trên, Hoa Kỳ sẽ đưa họ vào “danh sách giám sát”. Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo.

Trong kỳ báo cáo này, Việt Nam và các nền kinh tế như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Đức trong "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

Báo cáo lần này kết luận không có đối tác thương mại nào can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam.

Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, qua đó, tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.

Hai trong ba tiêu chí vượt ngưỡng

Theo báo cáo này, tính đến tháng 6/2024, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tương đương 5% GDP trong bốn quý gần nhất. Được biết, tài khoản vãng lai là một bộ phận cấu thành cán cân thanh toán quốc tế, ghi nhận các giao dịch về hàng hóa, dịch vụ và thu nhập đầu tư giữa quốc gia đó với các quốc gia khác trên thế giới.

Tài khoản vãng lai ghi nhận các giao dịch gồm: cán cân thương mại hàng hóa: cán cân thương mại dịch vụ; cán cân thu nhập…

Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam.

Theo đó, tài khoản vãng lai của Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư lớn, sau khi ghi nhận thâm hụt vào năm 2021 và 2022 khi các hoạt động sản xuất bị gián đoạn, hạn chế vì đại dịch Covid ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu; đồng thời, giá hàng hóa nhập khẩu đầu vào tăng cao khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa ở mức cao. Cùng với đó, thặng dư tài khoản vãng lai cũng được hỗ trợ bởi lượng kiều hối giữ đà tăng.

Cũng theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng mạnh trong 6 năm qua, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng thương mại hàng hóa, dẫn đầu là mặt hàng điện tử và máy móc.

Thặng dư hàng hóa và dịch vụ song phương của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 111,7 tỷ USD trong bốn quý gần nhất, cao hơn 7 tỷ USD so sánh với cùng kỳ (113,3 tỷ USD).

Như vậy, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba có thặng dư với với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ song phương lại khiêm tốn, mức thâm hụt dịch vụ Việt Nam - Hoa Kỳ trong bốn quý gần nhất là 1,6 tỷ USD.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá rằng, Việt Nam đã tham gia vào hoạt động bán ròng ngoại hối trong năm nay trong bối cảnh áp lực mất giá đối với VND do các diễn biến kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ và toàn cầu./.

Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm được thực hiện kể từ ngày 4/1/2016 theo hướng thả nổi có điều tiết thông qua tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá cũng được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoan nghênh vì những bước đi của Việt Nam hướng tới việc tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái và khuyến khích nhiều nỗ lực hơn nữa theo hướng này.

Tú Anh

Tin khác