Bổ sung sửa đổi luật Thuế TNCN và Luật xử lý vi phạm hành chính
Sáng 19/11, tại Phiên họp 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia (1 luật sửa 7 luật).
Dự án luật này mới được Quốc hội thảo luận tại Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 29/11, trong Đợt 2 của kỳ họp.
Báo cáo tại Phiên họp về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế TNCN.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về các nội dung cụ thể, theo ông Mạnh, với Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều là: Báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Các cơ quan đã trao đổi, thống nhất quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.
Đối với Luật Quản lý thuế, sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số (khoản 4 Điều 42 Luật hiện hành). Về nội dung này, quá trình thẩm tra, rà soát hoàn chỉnh dự thảo Luật, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thảo luận sau cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách ngày 18/11/2024 và giải trình của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất theo đề xuất của Chính phủ, theo đó bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 liên quan đến trách nhiệm của công chức thuế, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế, thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 3 Điều 72 Luật hiện hành. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí với đề xuất của Cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung nội dung về trách nhiệm của công chức thuế tại khoản 2 Điều 5 Luật hiện hành và nội dung về trách nhiệm của người nộp thuế tại khoản 2 Điều 72 Luật hiện hành; vì các nội dung này đã được thể hiện tại khoản 3 Điều 72 và tại Điều 17 Luật hiện hành, nếu thực hiện theo đề xuất của Cơ quan soạn thảo sẽ dẫn đến trùng lặp giữa các điều khoản của dự thảo Luật.
Về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra (Điều 47 Luật hiện hành): Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung sửa đổi theo đề xuất của Cơ quan soạn thảo theo hướng vẫn cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi Cơ quan thuế đã ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra là chưa triệt để và chưa giải quyết được bất cập của quy định hiện hành.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội dự án Luật với tên gọi "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Về hiệu lực thi hành của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng quy định về đối tượng tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 9 Điều 1 Luật Chứng khoán, quy định vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 11 Điều 1 Luật Chứng khoán áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Huyền Châu