Bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế
Chưa thể bỏ hạn mức tín dụng trong bối cảnh và điều kiện hiện nay
Chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn TP. Hà Nội) nêu vấn đề: “Nghị quyết chất vấn của Quốc hội yêu cầu NHNN tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. NHNN đã thực hiện nội dung này như thế nào? Lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Sau phiên chất vấn Thống đốc NHNN vào tháng 5/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, NHNN cũng đã tổ chức đánh giá, rà soát, phân tích rất kỹ lưỡng về tình hình, thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng. “Chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, buổi tham vấn của chuyên gia kinh tế và cả mời đại biểu Quốc hội để trao đổi về công tác điều hành tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Trong quá trình phân tích, đánh giá, tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, NHNN thấy rằng, xét về bối cảnh, điều kiện hiện nay, việc bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng là chưa thể. Bởi lẽ, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát mà mỗi một tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục % như những năm trước đây thì điều này sẽ tiềm ẩn những rủi ro. Đặc biệt, khi phân khúc của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phần, cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán chưa giải quyết được nhiều vấn đề về vốn dài hạn thì việc bỏ hạn mức tín dụng này cũng tiềm ẩn rủi ro.
Mặt khác, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, như NHNN đã báo cáo với Quốc hội, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như các tổ chức định chế tài chính và các chuyên gia quốc tế khi phân tích đều cho rằng, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo. Cho nên, dựa trên bối cảnh và điều kiện hiện nay, NHNN đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chưa bỏ được việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
“Trong quá trình chưa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã linh hoạt hơn và có những giải pháp để đáp ứng được nhu cầu tín dụng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đồng thời thông tin cụ thể: Thứ nhất, NHNN cũng đánh giá và cấp hạn mức tín dụng này theo xếp loại của Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN. Theo đó, các tổ chức tín dụng nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng vẫn đi đôi với kiểm soát rủi ro thì đây sẽ là một tiêu chí. Thứ hai, NHNN cũng cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn, ví dụ như ưu tiên đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn hay là ưu tiên xuất khẩu.
Cũng theo Thống đốc NHNN, đến cuối năm 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng và với chỉ tiêu định hướng khoảng 14-15%. Đến tháng 8 vừa qua, không cần các tổ chức tín dụng phải đề nghị, NHNN cũng đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng.
“Chúng tôi cũng cho phép điều chỉnh tự động đối với các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt 80% mức tăng trưởng mà NHNN thông báo. Đấy là lộ trình và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, khi điều kiện của thị trường cho phép, chúng tôi cũng sẽ bỏ công cụ điều hành này” - Thống đốc nói.
Làm gì để nợ xấu không theo đà tăng của tín dụng?
Cũng tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) đề nghị NHNN cho biết tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 và các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.
Giải đáp câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đối với vấn đề tăng trưởng tín dụng,năm 2024, chúng tôi định hướng là khoảng 15% và theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốcNHNN ngày 15/01/2024, chỉ tiêu này có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đầu năm, NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng nhưng diễn biến của các biến số kinh tế vĩ mô sẽ thường xuyên, liên tục; trong khi đó, bản chất của chính sách tiền tệ là ngắn hạn. Cho nên, NHNN cần phải theo dõi những diễn biến để nếu cần thiết thì có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm, tương tự như những năm trước đây.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Con số này nếu so với chỉ tiêu 15% thì có vẻ thấp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng 16,5% và thông thường, tín dụng thường tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là hai tháng cuối năm. Đấy là thời điểm bước vào dịp Tết, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ Tết Nguyên đán và chủ yếu là những khoản vay ngắn hạn để mua hàng, cung ứng.
“Theo thống kê của NHNN, tín dụng hai tháng cuối năm trong mấy năm gần đây thường tăng trưởng khá cao, có những năm tăng đến 4 - 5%. Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt được 15% cả năm” - Thống đốc kỳ vọng.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng không làm tăng nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ngân hàng khó có thể kiểm soát nợ xấu nếu như nguyên nhân của nợ xấu là những yếu tố khách quan và yếu tố từ doanh nghiệp. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách khi cho vay thì thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng hay là cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thì phải hết sức là thận trọng./.
X.HỒNG - N.MAI