Bitcoin tiếp tục đà tăng kỷ lục, chứng khoán trái chiều giữa châu Á và châu Âu
Cổ phiếu châu Âu tăng hơn 1%, với hầu hết các lĩnh vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, mở đầu một tuần sôi động với nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng từ toàn cầu, bao gồm cả chỉ số lạm phát tại Đức và Mỹ.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1% tính đến 09:59 GMT, với các ngành công nghiệp là một trong những nhóm tăng mạnh nhất, ghi nhận mức tăng 1,4%.
Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump và một số ứng cử viên ủng hộ tiền điện tử thắng cử vào Quốc hội Mỹ đã đẩy giá bitcoin lên mức cao kỷ lục mới (89.249 USD/bitcoin), nhờ kỳ vọng vào một môi trường quản lý nhẹ nhàng hơn.
Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6, đạt 1,0679 USD, giảm 0,4% so với mức 1,0671 USD trước đó, sau khi có thông tin rằng cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nổi tiếng với lập trường cứng rắn về thuế quan, sẽ tham gia chính quyền mới của Tổng thống Trump.
Chỉ số USD đã tăng lên gần mức cao nhất trong 4 tháng qua khi các nhà giao dịch đang định giá vào những rủi ro lạm phát gia tăng tại Hoa Kỳ. Các phát biểu của các quan chức Fed, đặc biệt là Chủ tịch Jerome Powell, sẽ cung cấp thêm những tín hiệu về chính sách tiền tệ trong tương lai và có thể tác động mạnh đến biến động của đồng USD.
Hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,3% vào thứ Hai.
Các nhà đầu tư kỳ vọng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ có những đợt cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy cổ phiếu và chính sách quản lý được nới lỏng hơn.
Các nhà đầu tư đang dõi theo sát sao chỉ số giá tiêu dùng công bố vào thứ Tư, bởi đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định liệu Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt là khả năng cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 tới hay không.
Theo dữ liệu từ Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang dự đoán khá cao khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 18 tháng 12, với xác suất khoảng 65%.
Cổ phiếu Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần khi gói cứu trợ nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư về hỗ trợ kinh tế, trong khi đà tăng của cổ phiếu bán dẫn đã kéo thị trường Trung Quốc tăng nhẹ.
Chỉ số CSI300 của Trung Quốc tăng 0,6%, trong đó cổ phiếu bán dẫn tăng 6,8% sau khi Hoa Kỳ đã yêu cầu TSMC ngừng xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Các nhà đầu tư cho rằng điều đó sẽ khuyến khích chính quyền hỗ trợ ngành công nghiệp của Trung Quốc và mua cổ phiếu của các nhà sản xuất địa phương, khiến cổ phiếu của Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế tăng 4,7% lên mức cao kỷ lục.
Trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một gói kích cầu kinh tế trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,39 nghìn tỷ USD) nhằm giảm gánh nặng nợ cho chính quyền địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, gói kích cầu này không trực tiếp bơm tiền vào nền kinh tế, khác với những gì mà nhiều nhà đầu tư mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa về thuế quan dưới chính quyền ông Trump cao sắp tới.
Giá vàng giảm mạnh 0,7%, xuống còn 2.666,10 USD/ounce, giảm sâu so với mức đỉnh lịch sử 2.790,15 USD đạt được vào tháng trước.
Giá dầu tiếp tục giảm từ thứ Sáu. Hiện tại, giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 73,16 USD/thùng sau khi giảm 71 cent. Tương tự, giá dầu WTI cũng giảm xuống còn 69,55 USD/thùng.
Hà Trang (theo Reuters)