1. Chứng khoán

BigTech dẫn đầu đà leo dốc; Dầu trượt giá hơn 2%

Dow Jones lần đầu vượt mốc 43,000 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.77% lên 5,859.85 điểm, còn chỉ số Dow Jones thêm 201.36 điểm, tương đương 0.47%, lên 43,065.22 điểm. Cả 2 chỉ số này đều đạt mức cao mọi thời đại và khép phiên ở mức cao kỷ lục, với Dow Jones đóng cửa trên mốc 43,000 điểm lần đầu tiên. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.87% lên 18,502.69 điểm.

Cổ phiếu McDonald’s, UnitedHealth Group và Apple dẫn đầu đà tăng của Dow Jones. Công nghệ tiếp tục đà leo dốc và là lĩnh vực hoạt động tốt nhất thuộc S&P 500.

Bank of America, Goldman Sachs và Johnson & Johnson sẽ báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất vào ngày 15/10, trong khi Morgan Stanley và United Airlines dự kiến báo cáo lợi nhuận vào ngày 16/10. Walgreens Boots Alliance, Netflix và Procter & Gamble cũng được lên lịch công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.

Những báo cáo đó sẽ được công bố sau khi JPMorgan Chase và Wells Fargo khởi động mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 với khởi đầu tốt đẹp. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy lợi nhuận ngân hàng phục hồi đã giúp thúc đẩy thị trường chung lên mức cao mọi thời đại vào cuối tuần trước. S&P 500 khép phiên vượt mốc 5,800 điểm lần đầu tiên vào hôm 11/10, còn Dow Jones cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Cho đến nay, có 30 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận, có kết quả tốt hơn mức lợi nhuận trung bình khoảng 5%, theo Bank of America. Con số này tốt hơn mức vượt 3% vào thời điểm này của quý trước. Tuy nhiên, Bernstein cho rằng tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) hằng năm của quý này sẽ “thấp hơn nhiều” so với quý trước.

Bất chấp thị trường đang leo lên các mức cao mọi thời đại mới, nhà đầu tư vẫn lo lắng trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong 3 tuần nữa, lợi suất trái phiếu Mỹ đột ngột tăng, sự bất định về tốc độ nới lỏng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và rủi ro địa chính trị leo thang ở Trung Đông.

OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu lần thứ 3 liên tiếp

Theo một báo cáo được công bố vào thứ Hai, OPEC hiện dự kiến nhu cầu sẽ tăng 1.9 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức 2 triệu thùng/ngày trong dự báo trước đó. Nhóm này dự kiến nhu cầu sẽ tăng 1.6 triệu thùng/ngày trong năm 2025, cũng giảm so với mức dự báo 1.7 triệu thùng/ngày trước đó.

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI sụt 1.73 USD, tương đương 2.29%, còn 73.83 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 1.58 USD, tương đương 2%, xuống 77.46 USD/thùng.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cũng đã làm thị trường thất vọng trong cuộc họp báo cuối tuần qua. Nhà đầu tư đã trông chờ vào các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn ở Trung Đông để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã gây áp lực lên thị trường trong nhiều tháng.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục theo dõi Trung Đông trong bối cảnh dự báo Israel sẽ tấn công trả đũa Iran. Các quan chức Mỹ nới với NBC News rằng Israel đã thu hẹp các mục tiêu mà họ dự định tấn công. Các quan chức nói với NBC rằng những mục tiêu này bao gồm các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Việt Huỳnh

Tin khác