'Big Tech' hết thời 'kiếm bộn' từ công nghệ đám mây
Những cỗ máy kiếm tiền của các công ty công nghệ cũng phải đối mặt với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khi kinh doanh đám mây đồng nghĩa với việc cung cấp cho khách hàng các ứng dụng và dịch vụ đám mây với mức giá rẻ.
Hôm 25/10, Microsoft đã ghi nhận, tăng trưởng của bộ phận kinh doanh đám mây Azure quan trọng của tập đoàn sẽ thấp hơn dự kiến trong quý này. Cùng ngày, Alphabet, công ty mẹ của Google phát đi báo cáo, tăng trưởng Google Cloud Platform của họ chỉ còn 37% trong quý 3 so với 44% cùng kỳ năm ngoái.
Amazon cũng dự kiến mức tăng trưởng 33% trong phân khúc AWS của mình khi công bố thu nhập của nền tảng vào ngày 27/10. Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của ông lớn bán lẻ Mỹ là 39%.
“Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đang gặp áp lực về tài chính. Và chúng tôi cũng không chắc chắn về việc lĩnh vực phần mềm, công nghệ đám mây có thể đứng ngoài suy thoái kinh tế hay không vì đã có một số ảnh hưởng nhất định”, Brent Bracelin - nhà phân tích cổ phiếu của Piper Sandler – chia sẻ với Yahoo Finance.
Tăng trưởng sụt giảm của lĩnh vực công nghệ đám mây đồng nghĩa với việc các công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang cắt giảm ngân sách và tìm cách tiết kiệm trong bối cảnh lạm phát gần kỷ lục, lãi suất tăng và lo ngại suy thoái.
Thách thức
Dịch vụ điện toán đám mây thường giúp các công ty tiết kiệm tiền. Thay vì phải mua phần mềm hoặc chạy máy chủ riêng, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể chuyển sang các nhà cung cấp đám mây để cung cấp các dịch vụ liên quan.
Các đơn vị đám mây của Amazon, Google và Microsoft cũng cung cấp những gì được gọi là mô hình kinh doanh tiêu dùng, nghĩa là khách hàng của họ chỉ trả tiền khi họ sử dụng các dịch vụ đám mây.
Điều này tương tự như việc thuê một chiếc ô tô khi cần đi du lịch thay vì sở hữu một chiếc ô tô. Thay vì bận tâm đến các khoản thanh toán hàng tháng, bảo hiểm và sửa chữa, bạn chỉ cần trả tiền cho thời gian bạn đang sử dụng xe.
Amazon và Microsoft là hai tên tuổi thành công nhất với chiến lược kinh doanh dịch vụ đám mây.
Nằm ở vị trí quán quân và số 2 trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trên thế giới, Amazon hiện nắm giữ 34% thị trường và Microsoft kiểm soát 21% trong quý 2. Google, vẫn đang hoàn thiện dịch vụ của mình, chiếm tỷ lệ 10% thị trường toàn cầu.
Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đám mây cực kỳ cao.
Microsoft đạt tỷ suất lợi nhuận lên tới 73% trên toàn bộ mảng đám mây của mình trong quý cuối của năm 2020 và Amazon báo cáo tỷ suất lợi nhuận 29% cho nền tảng AWS của mình trong quý 2 năm 2022.
Các nhà đầu tư đã ghi nhận con số này và đổ tiền vào Amazon và Microsoft thời gian trước và trong đại dịch với hy vọng lĩnh vực đám mây sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, điều đó đã không thành hiện thực.
“Rõ ràng là có sự không chắc chắn về mặt vĩ mô. Và sẽ không ai miễn nhiễm với điều đó. Kể cả những ông lớn công nghệ quy mô toàn cầu như Microsoft”, nhà phân tích cổ phiếu Rishi Jaluria của RBC Capital Markets, bình luận trên Yahoo Finance.
Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo sợ. Cổ phiếu của Microsoft đã giảm khoảng 6% vào giữa ngày 26/10. Cổ phiếu Amazon giảm 3,8% và cổ phiếu Alphabet giảm 7,8%, mặc dù những doanh nghiệp này cũng có thể bị ảnh hưởng do doanh số bán quảng cáo trên YouTube sụt giảm.
Trong khi doanh thu đám mây ở Microsoft và Google đang sụt giảm, những lĩnh vực khác vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở mức cao khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Mô hình kinh doanh dựa trên tiêu dùng của họ giúp các công ty dễ dàng chuyển đổi hoạt động và thuận lợi phát triển trở lại khi nền kinh tế vận hành tốt hơn. Ví dụ rõ ràng nhất là Microsoft.
“Microsoft có khả năng hợp nhất ngân sách. Rất nhiều công ty đang sử dụng 100 nhà cung cấp phần mềm khác nhau hoặc thậm chí 1.000 ứng dụng [phần mềm như một dịch vụ] khác nhau, ”Jaluria giải thích.
Và ông lớn Microsoft có thể cung cấp các loại ứng dụng tương tự và đồng thời kết hợp những ứng dụng họ có với các dịch vụ đám mây của mình với mức giá tốt hơn.
Tuy nhiên, thời điểm kết thúc suy thoái vẫn còn là một câu hỏi và hiện tại, các công ty vẫn sẽ phải làm quen với tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với thời kỳ bùng nổ của 'Big Tech'./.
Nguồn tham khảo: Yahoo Finance
Nhiên Nhiên