1. Chứng khoán

Bất ngờ khởi sắc, VN-Index có phiên tăng mạnh nhất 3 tuần

Trong 3 phiên gần đây và cả phiên sáng nay, VN-Index bám sát đường MA20 với thanh khoản ở thấp khi cả bên mua và bên bán đều thận trọng.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều nay, bất ngờ VN-Index được kéo vọt lên, bứt qua ngưỡng 1.280 điểm và ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất 3 tuần dù dòng tiền không cải thiện nhiều so với 3 phiên trước. Sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, nhưng lực kéo chính của VN-Index vẫn đến từ nhóm bluechip như VHM, HPG, ACB, BID, VIC, FPT…

Đóng cửa, VN-Index tăng 9,87 điểm (+0,78%), lên 1.281,85 điểm với 255 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 676,9 triệu đơn vị, giá trị 17.084,8 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 8,6% về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,5 triệu đơn vị, giá trị 1.050 tỷ đồng.

Riêng 8 mã bluechip VHM, HPG, ACB, BID, MSN, VIC, GVR và FPT đã đóng góp 5,8 điểm cho VN-Index, trong khi các mã ở chiều ngược lại chỉ lấy đi của chỉ số hơn 1,6 điểm, mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index là VCB cũng chỉ là 0,68 điểm.

VCB cũng là một trong 2 mã giảm hiếm hoi của nhóm ngân hàng hôm nay với mức giảm 0,55% xuống 91.000 đồng, mã thứ 2 là HDB cũng chỉ giảm nhẹ 0,74% xuống 27.000 đồng. Ngoài ra, có 2 mã đứng tham chiếu là VIB và NAB, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là ACB tăng 2,94% lên 26.250 đồng, tiếp đến là SSB tăng 2,34% lên 17.500 đồng, EIB tăng 1,86% lên 19.200 đồng, MBB tăng 1,59% lên 25.600 đồng; các mã tăng hơn 1% có TCB, BID và STB.

Nhóm chứng khoán có 3 mã giảm là ORS giảm 1,74% xuống 14.100 đồng, SSI giảm 0,36% xuống 27.300 đồng và VDS giảm 0,23% xuống 21.650 đồng, cùng 3 mã đứng giá là FTS, TVS và TVB, còn lại là tăng. Trong đó, VND tăng mạnh nhất 2,36% lên 15.200 đồng, APG tăng 1,87% lên 9.780 đồng…

Trong nhóm thép, đáng chú ý HPG tăng hơn 2% lên 27.500 đồng, trong khi HSG lại quay đầu giảm nhẹ 0,23% xuống 21.300 đồng và cũng là mã giảm duy nhất trong nhóm.

Về thanh khoản, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất 49,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,75% lên 20.250 đồng. Tuy nhiên, đây là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh với khối lượng bán ròng lên tới hơn 14 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HPG và TCB là 2 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, lần lượt là gần 9 triệu cổ phiếu và 8 triệu cổ phiếu. Đây cũng là 2 mã có thanh khoản tốt tiếp theo sau VPB với 41,6 triệu đơn vị và 21,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm 2 mã có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị là MWG và ACB, nhưng đóng cửa lại trái ngược nhau về giá khi MWG giảm 1,53% xuống 64.200 đồng, còn ACB tăng khá mạnh. Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo đều là nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Diễn biến tích cực trên HOSE đã lan tỏa sang sàn HNX và thị trường UPCoM, giúp 2 chỉ số chính ở 2 thị trường này hồi phục trở lại, trong đó HNX-Index đóng cửa có được sắc xanh nhạt, trong khi UPCoM-Index cũng kịp về tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,11%), lên 231,77 điểm với 74 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46 triệu đơn vị, giá trị 906 tỷ đồng, giảm 32% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 54 tỷ đồng.

UPCoM-Index đứng ở mức 92,45 điểm với 135 mã tăng và 103 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,4 triệu đơn vị, giá trị 759,9tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị 206,5 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, SHS đã đảo chiều tăng 1,95% lên 15.700 đồng, thanh khoản vượt trội so với phần còn lại trên sàn với 8,91 triệu đơn vị. Đứng thứ 2 là PVS với 4,15 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,2% lên 41.300 đồng. Một mã chứng khoán khác cũng đảo chiều thành công là MBS khi đóng cửa tăng 0,33% lên 30.100 đồng, khớp 4,06 triệu đơn vị. CEO nới rộng đà tăng lên 1,32%, đóng cửa ở mức 15.300 đồng, khớp 2 triệu đơn vị, đứng dưới HUT với 2,11 triệu đơn vị, mã này cũng đóng cửa tăng 0,61% lên 16.500 đồng. Trong khi đó, AMV vẫn giảm kịch sàn xuống 2.400 đồng và còn dư bán sàn, thanh khoản gần 1,74 triệu đơn vị.

Trên UPCoM trong 7 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị, chỉ có duy nhất VGI đóng cửa tăng 4,09% lên 66.200 đồng, cùng HNG đứng tham chiếu 4.600 đồng, còn lại đều giảm. Trong đó, BSR khớp 5,39 triệu đơn vị, đứng đầu trên thị trường, đóng cửa giảm 0,41% xuống 24.100 đồng; mã giảm mạnh nhất trong nhóm này là LTG khi mất 7,26% xuống 11.500 đồng, khớp 1,06 triệu đơn vị, tiếp đến là BCR giảm 3,39% xuống 5.700 đồng, cao hơn 1 bước giá so với phiên sáng, khớp 2,06 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng mạnh hơn so với thị trường cơ sở khi VN30 tăng dưới 1%, còn các hợp đồng tương lai đều tăng hơn 1%. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 10 là VN30F2410 tăng 16,6 điểm (+1,24%), lên 1.358,3 điểm với 212.569 hợp đồng được giao dịch, tương đương giá trị 28.712 tỷ đồng; khối lượng mở 54.670 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có giao dịch khá sôi động với nhiều mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị, trong đó 3 mã dẫn đầu đều do SSI phát hành với mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trội so với phần còn lại là CMWG2314 có khối lượng giao dịch là 7,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,7% xuống 1.490 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có khối lượng giao dịch là hơn 10 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 4.300,2 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất, chiếm gần 50% tổng khối lượng giao dịch hôm nay là VIFI12101 do Vinfast phát hành với 5 triệu đơn vị, tổng giá trị 501,5 tỷ đồng. Tiếp đến là GSG12203 do Bao bì Goldsun phát hành với 1,13 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 120,2 tỷ đồng. Còn xét về giá trị, mã MSB12303 do Ngân hàng MSB phát hành đứng đầu với 889,5 tỷ đồng, tương ứng 850 đơn vị.

T.Lê

Tin khác