1. Tài chính

Bảo vệ nhà đầu tư và minh bạch tài chính: Nền tảng pháp lý cho Trung tâm tài chính quốc tế

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí LongNguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính)

Bước đi mang tính chiến lược

Theo Ngân hàng Thế giới, bảo vệ nhà đầu tư – đặc biệt là cổ đông thiểu số – là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ an toàn và hấp dẫn của môi trường đầu tư tại mỗi quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu quyết và cơ chế khởi kiện khi có hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa để hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này. Báo cáo Doing Business 2020 xếp Việt Nam ở vị trí 97/190 quốc gia về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.

Một trong những điểm nghẽn hiện nay là thiếu cơ chế khởi kiện đại diện và minh bạch hóa các giao dịch với bên liên quan – những yếu tố cốt lõi để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích trong doanh nghiệp.

“Trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán và hội nhập hệ thống tài chính toàn cầu, việc nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhà đầu tư và minh bạch tài chính là bước đi mang tính chiến lược. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thiết lập một thị trường vốn ổn định, hiệu quả và minh bạch mà còn góp phần thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia”.

Minh bạch tài chính không đơn thuần là yêu cầu kỹ thuật mà là tiêu chuẩn pháp lý cần thiết để đảm bảo hoạt động giám sát, kiểm tra và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các tổ chức quốc tế như IOSCO, OECD, IMF đều khuyến nghị các quốc gia thiết lập khuôn khổ pháp lý chặt chẽ về công bố thông tin tài chính, kế toán và kiểm toán.

Hiện nay, Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) đang dần thay thế các chuẩn mực kế toán nội địa ở hơn 140 quốc gia, tạo nên sự đồng nhất và khả năng so sánh giữa các báo cáo tài chính toàn cầu.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã phê duyệt lộ trình áp dụng IFRS kể từ năm 2025 theo Quyết định số 345/QĐ-BTC – một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, yêu cầu minh bạch hóa thông tin phi tài chính như quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển bền vững, đánh giá rủi ro đầu tư cũng ngày càng được quan tâm, trở thành một phần không thể thiếu trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết.

Một yếu tố quan trọng khác gắn liền với minh bạch tài chính là công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo khuyến nghị của IMF và Nhóm đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), các quốc gia cần ban hành các quy định bắt buộc về xác minh khách hàng (KYC), giám sát giao dịch đáng ngờ (STRs) và kiểm soát dòng tiền xuyên biên giới.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 77/141 quốc gia về chỉ số minh bạch tài chính – cho thấy tiềm năng cải cách còn rất lớn, đặc biệt trong việc tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát tài chính.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, một trong những điểm nghẽn hiện nay là thiếu cơ chế khởi kiện đại diện và minh bạch hóa các giao dịch với bên liên quan – những yếu tố cốt lõi để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích trong doanh nghiệp ( Ảnh minh họa)

Năm định hướng trọng tâm

Thực trạng khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam đã hình thành nhưng thực thi còn hạn chế. Việt Nam đã xây dựng nền tảng pháp lý tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền và nghĩa vụ cổ đông, nguyên tắc minh bạch và cơ chế triệu tập đại hội cổ đông. Luật Chứng khoán 2019 yêu cầu công bố thông tin định kỳ và bất thường, ngăn ngừa xung đột lợi ích. Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ quyền khởi kiện khi lợi ích bị xâm phạm…

Báo cáo PCI 2023 cho thấy chỉ 22% doanh nghiệp áp dụng cơ chế quản trị minh bạch. Các vụ giao dịch nội gián và thao túng cổ phiếu vẫn phổ biến, nhưng chế tài xử phạt còn nhẹ. Tỷ lệ cổ đông thiểu số khởi kiện rất thấp, chưa đến 0,1% tổng số vụ án kinh tế, phản ánh tâm lý ngại kiện tụng và hiệu quả bảo vệ pháp lý chưa cao.

Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Theo lộ trình của Bộ Tài chính, từ năm 2025 các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được khuyến khích áp dụng IFRS.

Dù đã có hơn 150 doanh nghiệp tham gia đào tạo, việc chuyển đổi vẫn gặp khó khăn về nhân lực và chi phí. Giám sát tài chính còn thiếu hiệu quả, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giữ vai trò then chốt trong giám sát công bố thông tin.

Năm 2023, hơn 680 lượt thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm như chậm công bố báo cáo tài chính, thông tin sai lệch, thiếu thuyết minh kiểm toán. Bên cạnh đó, chất lượng kiểm toán độc lập vẫn chưa đảm bảo.

Theo Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đến năm 2024 có trên 200 doanh nghiệp kiểm toán được cấp phép, song vẫn còn tình trạng “thông đồng” giữa doanh nghiệp và kiểm toán viên.

Nhiều vụ gian lận gây hệ lụy nghiêm trọng, tình trạng gian lận báo cáo tài chính ngày càng phổ biến, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh xử phạt hơn 120 doanh nghiệp, trong đó có 21 đơn vị bị đình chỉ giao dịch, 8 vụ việc chuyển cơ quan điều tra…

Vì vậy, để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có năm định hướng trọng tâm như sau:

Một là, xây dựng luật riêng cho TTTCQT. Khung pháp luật hiện hành còn phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu mở cửa thị trường tài chính. Cần nghiên cứu ban hành Luật Trung tâm tài chính quốc tế, quy định cụ thể về cơ chế đặc thù, quyền và nghĩa vụ nhà đầu tư, ưu đãi thuế, chuyển lợi nhuận, sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp. Nhiều quốc gia như UAE, Trung Quốc đã có luật riêng cho TTTCQT.

Hai là,chuẩn hóa kế toán – kiểm toán theo IFRS. Việc áp dụng chuẩn mực quốc tế IFRS cần được đẩy nhanh, đặc biệt với tổ chức tài chính, doanh nghiệp FDI từ năm 2027. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi gian lận nghiêm trọng là giải pháp cần thiết. Minh bạch tài chính không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là trụ cột pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, tạo nền tảng cho thị trường vốn phát triển bền vững.

Ba là, thành lập Trung tâm Trọng tài – Tài chính độc lập. Hiện Việt Nam chưa có thiết chế trọng tài chuyên biệt cho lĩnh vực tài chính. Cần thành lập Trung tâm Trọng tài – Tài chính Việt Nam (VFAC), hoạt động độc lập, chuyên giải quyết tranh chấp tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, phái sinh… theo chuẩn quốc tế.

Bốn là, tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Khung pháp luật chỉ hiệu quả khi được thực thi nghiêm minh. Cần nâng mức xử phạt hành chính, đặc biệt với hành vi thao túng thị trường, gian lận thông tin. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát độc lập, kết nối cơ quan tài chính, ngân hàng, kiểm toán để xử lý vi phạm kịp thời.

Năm là, bảo đảm tính ổn định và thân thiện với nhà đầu tư. Môi trường pháp lý cần rõ ràng, ổn định lâu dài để giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Một số giải pháp như: Cam kết không thay đổi chính sách trọng yếu trong 10 – 15 năm, xây dựng cổng pháp lý trực tuyến một cửa, phát huy cơ chế trọng tài thay cho tòa án thông thường.

Hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hình thành TTTCQT, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập tài chính toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính)

Mô hình “sandbox” ở Dubai cho phép thử nghiệm tài chính mới dưới sự giám sát linh hoạt ( Hình minh họa)

Tin khác