Băn khoăn đường đi của giá vàng
Giá vàng lao dốc
Giữ vàng mà lo ngay ngáy hiện đang là tâm lý của nhiều người lỡ “đu đỉnh” vàng ở vùng giá 90 triệu đồng/ lượng vào thời điểm cuối tháng 10.
Trong khi đó nhiều nhà đầu tư nhìn thấy đà trượt của giá vàng trong nước về vùng 81- 84 triệu đồng/lượng.
Sáng 13/11, giá vàng tiếp tục giảm mạnh. Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng. Tính ra trong 3 ngày liên tiếp từ 12-14/11 giá vàng miếng giảm gần 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức các loại lao dốc mạnh hơn. Công ty vàng SJC giao dịch giá vàng nhẫn trơn mua vào 79,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,2 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 3 ngày 12-14/11, giá vàng nhẫn mất tới 2,7 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn có sự cách biệt đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Công ty PNJ niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 80,8 triệu đồng/lượng, bán ra 82,4 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI bán ra vàng nhẫn trơn 83,2 triệu đồng/lượng trong khi Công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra 83,12 triệu đồng/lượng.
Tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội), tình trạng khó giao dịch vàng vẫn diễn ra. Tại các cửa hàng vàng trên con phố này, các nhân viên cho biết, không có vàng miếng hay vàng nhẫn để bán.
Trong phiên trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thị trường vàng còn diễn biến phức tạp, Việt Nam lại là nước không sản xuất vàng, nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường vàng để có giải pháp can thiệp. Đối với hiện tượng một số cửa hàng vàng tạm dừng mua vàng ở một số thời điểm, bà Hồng cho rằng, điều này có thể liên quan đến cân đối dòng tiền và quản trị rủi ro của doanh nghiệp vàng. NHNN luôn khuyến cáo vàng là mặt hàng biến động phức tạp, khó lường, nhà đầu tư phải thận trọng với rủi ro.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị NHNN cần nghiên cứu giải pháp khuyến khích người dân bán vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tiến hành tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong năm 2025 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng
Thị trường vàng trong nước chịu tác động của các yếu tố trong và ngoài nước. Chẳng hạn như lãi suất huy động thấp của ngân hàng Việt Nam làm tăng lượng tiền nhàn rỗi, dẫn đến việc người dân chọn vàng là một trong những công cụ để bảo toàn giá trị tài sản và tạo cơ hội thu chênh lệch giá. Thời điểm hiện tại giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giá vàng thế giới.
Dù các biện pháp ổn định thị trường vàng nhằm giảm bớt mức độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được áp dụng như bán vàng mức độ hạn chế, tăng cường quản lý thị trường đã thể hiện vai trò điều tiết đặc biệt quan trọng của cơ quan quản lý thị trường này. Song có thể thấy giá vàng vẫn đang “nhảy múa” không theo một thứ tự nào.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm, cần có những thay đổi tư duy trong phương thức quản lý thị trường. Việt Nam không đủ lượng vàng để điều tiết nguồn cung, nên phải chấp nhận giá vàng thế giới khi độ mở thị trường vàng trong nước bước đầu gắn kết chặt chẽ với thị trường vàng thế giới. “Việt Nam chỉ có thể ổn định thị trường vàng trong nước thông qua giảm thiểu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới” – ông Lạng nói.
Ngoài ra cần đổi mới tư duy quản lý, đặc biệt nên giảm sự quản lý bó hẹp trong giới hạn đầu mối, thay vì điều tiết bởi các biện pháp hành chính cần chuyển sang điều tiết bởi các biện pháp kinh tế, như sử dụng công cụ thuế nhập khẩu vàng hiệu quả hơn, xây dựng nguồn cung vàng lớn...
Đồng thời cần mở cửa thị trường vàng như bỏ quy định độc quyền nhập khẩu vàng, tăng đầu mối được quyền nhập khẩu vàng với cơ chế quản lý, kiểm soát phù hợp. Các cơ quan cũng cần khẩn trương thành lập sàn giao dịch vàng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cũng như xây dựng bộ máy quản lý sàn giao dịch hợp lý.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, nên tăng cường tính minh bạch thị trường vàng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vàng không phải là hàng hóa thiết yếu, mang tính rủi ro đầu tư cao, từ đó giúp giảm tình trạng đổ xô đầu cơ vào vàng.
Các ngân hàng nên điều tiết lãi suất huy động, cũng như phát triển các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, hoặc hướng dòng tiền đầu tư vào khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu vàng, để góp phần tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi, tăng giá không phù hợp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cách thức quản lý thị trường vàng phải khác đi, cơ quan quản lý cần dùng các công cụ điều tiết như thuế, kiểm soát thông tin, phải xem lại việc cấp hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính...
H.Hương