Bài học từ hệ thống giá sách cố định ở Hàn Quốc
Ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm lĩnh vực xuất bản. Trong bối cảnh này, việc tham khảo bài học từ các nước để có một tham chiếu cho Việt Nam là rất cần thiết.
Hiện nay, chiết khấu (nói cách khác là giá bán cuối cùng đến khách hàng) là một vấn đề mà các đơn vị xuất bản cũng như các đại lý, nhà phát hành tại Việt Nam đang phải đối mặt. Tình trạng mạnh ai nấy bán, không chịu bất kỳ sự kiểm soát giá cả nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống đại lý phát hành và đẩy các đơn vị xuất bản vào cuộc chạy đua chiết khấu không hồi kết.
Trên thế giới, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia có nền xuất bản phát triển. Trong đó, một số nước đã lựa chọn xây dựng hệ thống giá sách cố định, được luật hóa và bảo vệ bằng các chế tài pháp luật.
Hệ thống giá sách cố định (Fixed book price - FBP) là cơ chế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm ấn định mức giá bán sách thống nhất, trong đó có Hàn Quốc. Tại đây, FBP đã qua nhiều giai đoạn phát triển và điều chỉnh.
Quá trình phát triển của FBP tại Hàn Quốc
Hàn Quốc bắt đầu thực thi hệ thống giá sách cố định vào năm 1977 khi một nhóm các nhà xuất bản và hiệu sách đạt thỏa thuận bán sách theo giá niêm yết đã được ấn định. Đến năm 1980, Đạo luật điều tiết độc quyền và thương mại công được ban hành, cấm hành vi duy trì giá bán lại (resale price) đối với mọi sản phẩm, nhưng ngoại trừ sách và một số mặt hàng đặc thù khác. Điều này đã thúc đẩy việc áp dụng FBP trên toàn quốc, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các hiệu sách.
Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1990, sự xuất hiện của các trung tâm mua sắm lớn và nhà sách trực tuyến đã tạo nên thách thức lớn đối với việc duy trì giá sách cố định. Các nhà bán lẻ này đã giảm mạnh giá sách, khiến FBP trở nên kém hiệu quả.
Đến cuối thập kỷ 1990, FBP gần như trở nên vô dụng khi không có luật nào điều chỉnh kênh phân phối mới này. Để đối phó với sự thay đổi của thị trường, các nhà xuất bản và hiệu sách Hàn Quốc đã vận động thành công yêu cầu sửa đổi luật vào năm 2002, trong đó bắt buộc áp dụng FBP.
Bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử FBP của Hàn Quốc diễn ra vào tháng 11/2014, khi chính phủ thông qua một cuộc cải cách lớn. Theo luật mới, tất cả sách giấy và sách điện tử, không phân biệt thời điểm xuất bản, đều bị giới hạn mức chiết khấu và khuyến mãi tặng thưởng đi kèm trong phạm vi 15% so với giá cố định.
Trong đó, mức giá chiết khấu không được vượt quá 10% so với giá cố định; còn ưu đãi tặng thưởng không được vượt quá 5% (bao gồm chính sách tích điểm cho khách hàng thân thiết). Vi phạm quy định này có thể bị phạt lên đến 5 triệu won.
Điều này nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các nhà bán lẻ và đảm bảo sự ổn định trong ngành xuất bản. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ đối với các hội chợ sách, nơi một số mức chiết khấu nhất định được phép áp dụng.
Điều khoản kể trên nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh về giá quá mức giữa các nhà xuất bản, tạo cơ hội bình đẳng giữa các nhà phát hành lớn và các nhà phát hành nhỏ, giúp củng cố và đa dạng hóa hệ thống phát hành, từ đó mở rộng quyền tiếp cận sách cho người đọc.
FBP đã tạo nhiều tác động tích cực đến thị trường xuất bản Hàn Quốc, giúp củng cố thị trường sách và làm chậm lại sự suy giảm của các hiệu sách truyền thống. Nhưng trong bối cảnh xuất bản số, một số khía cạnh của FBP vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhận nhiều phản ứng trái chiều.
Các hiệu sách độc lập và nhà xuất bản nhỏ cho rằng FBP là công cụ cần thiết để bảo vệ ngành sách khỏi sự chi phối của các tập đoàn lớn và bảo vệ sự đa dạng của các xuất bản phẩm.
Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng và các nhà sách trực tuyến cho rằng FBP tuy duy trì sự ổn định nhưng cũng giới hạn khả năng chiết khấu, làm giảm sức hấp dẫn của sách và cản trở việc tiếp cận của người có thu nhập trung bình và thấp.
Thách thức đòi hỏi đánh giá và điều chỉnh
Một vấn đề nổi cộm khác mà FBP tại Hàn Quốc phải đối mặt là sự bùng nổ của thị trường sách điện tử và sự ra đời của dịch vụ thuê bao. Các gói dịch vụ thuê bao như Kindle Unlimited của Amazon cho phép người dùng đọc không giới hạn hàng ngàn đầu sách với chi phí rất thấp.
Ở các quốc gia không có FBP, dịch vụ này không gây nhiều vấn đề. Nhưng ở Hàn Quốc, nơi áp dụng FBP, các dịch vụ này gây ra xung đột pháp lý. Theo luật, sách điện tử phải được bán với giá niêm yết đầy đủ nếu mua riêng lẻ. Song việc sách điện tử được cung cấp với mức giá gần như miễn phí trong các gói thuê bao dẫn đến tranh cãi về tính hợp pháp.
Ngoài ra, các nhà sách lớn trực tuyến tại Hàn Quốc thường tận dụng tối đa mức chiết khấu trần 15%. Trong khi đó, hiệu sách nhỏ hơn không đủ khả năng làm điều tương tự, dẫn đến bất công trong việc áp dụng chính sách.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét lại luật FBP, với kế hoạch đánh giá 3 năm một lần để đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Trong quá trình đánh giá, các phiên điều trần công khai đã được tổ chức để thu thập ý kiến từ các bên liên quan, từ các nhà xuất bản, hiệu sách đến độc giả.
Một phiên điều trần công khai vào tháng 9/2019 với sự tham gia của nhiều bên đã nhấn mạnh rằng dù FBP có những lợi ích rõ rệt, nhưng cũng cần những cải tiến để phản ánh sự thay đổi của thị trường.
Khảo sát do KOPUS thực hiện vào năm 2020, nhắm tới 1.001 hiệu sách và nhà xuất bản trên toàn quốc, cho biết: lần lượt 64,7% và 19,9% người tham gia trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi liệu hệ thống có giúp thúc đẩy các hiệu sách địa phương; lần lượt 67,3% và 16,3% trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi về tính hữu ích của hệ thống; lần lượt 61,3% và 19,8% trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi liệu hệ thống có giúp làm chậm quá trình già hóa của các hiệu sách địa phương.
Trong khi chính phủ Hàn Quốc đánh giá và cân nhắc sửa đổi luật, thị trường sách vẫn đang tiếp tục thay đổi nhanh chóng, với sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số và các mô hình kinh doanh mới. Một thách thức lớn là làm sao để duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ các nhà xuất bản và hiệu sách độc lập với nhu cầu giá cả hợp lý và lựa chọn đa dạng của người tiêu dùng.
Những thay đổi sắp tới có thể bao gồm việc điều chỉnh mức chiết khấu cho sách điện tử và các quy định rõ ràng hơn về các gói thuê bao. Đồng thời, cần có các giải pháp linh hoạt hơn để đảm bảo rằng FBP không chỉ bảo vệ ngành sách mà còn phải phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.
Nhìn chung, FBP tại Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về việc áp dụng chính sách bảo vệ ngành sách trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Việc tiếp tục điều chỉnh và phát triển chính sách này sẽ giúp Hàn Quốc duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của ngành sách và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trần Hoài Phương