Ba tư lệnh ngành giải trình về thiếu hụt xăng dầu
Nới trần, ưu đãi lãi suất
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc quản lý, cung ứng, kinh doanh xăng dầu hiện nay được giao cho bảy bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Vì vậy, để làm tốt việc này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải “hợp tác” được với nhau một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả. Về hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, ông Diên nhận xét “rất đáng tiếc và bất thường”, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra.
Ngoài các yếu tố khách quan từ tình hình thế giới, ông Diên cho rằng, nguyên nhân chủ quan là, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, room đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp “càng làm càng lỗ”.
“Các doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói. Ông Diên cho biết, đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị khẩn trương rà soát, cập nhật, phản ánh định mức chi phí, tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.
Hạn mức tín dụng còn 44 nghìn tỷ đồng
Nêu quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong điều hành ngân hàng rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Vừa qua, sau khi Bộ Công Thương có văn bản, NHNN đã tổng hợp nhanh số liệu thì thấy, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỉ đồng, đến nay mới sử dụng khoảng 58.000 tỉ đồng. “Như vậy, hạn mức chưa sử dụng còn hơn 44.000 tỉ đồng, chứ chưa phải là đã hết. Bên cạnh đó, NHNN đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng 9 tháng đầu năm, đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Tập đoàn xăng dầu, Bình Sơn thì lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỉ đô la Mỹ cho các doanh nghiệp này”, bà Hồng thông tin.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhu cầu xăng dầu tiêu thụ trong nước, mỗi năm vào khoảng 19,2 triệu tấn. Do hai nhà máy lọc dầu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên mỗi năm nhập khẩu khoảng 6,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 9 tháng nhập được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch, riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% so với trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Về chi phí định mức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã có văn bản xin ý kiến của doanh nghiệp đầu mối và ý kiến Bộ Công Thương xem có nâng chi phí định mức hay không. Nhưng đến nay mới chỉ nhận được 6 văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được. “Sắp tới đề nghị sửa Nghị định giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động; tăng cường chủ động phối hợp trong nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất”, ông Phớc kiến nghị.
Văn Kiên - Luân Dũng