Tìm điểm cân bằng cho tỷ giá
Sử dụng nhiều công cụ điều hành
Trong suốt tháng 9 và tháng 10-2022, tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng nhiều hơn giảm. Mới nhất, ngày 24-10, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD từ 24.380 VND/USD lên 24.870 VND/USD. Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ 4 trong vòng hơn một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước đã tăng 1.720 VND, tương đương 7,4%...
Việc liên tục tăng mạnh tỷ giá trung tâm, đồng thời nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5% ngày 17-10 là nhằm ứng phó với những tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế, qua đó bảo đảm cung cầu ngoại tệ, tạo không gian hoạt động rộng hơn để ổn định thị trường, cũng như hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối so với biến động tỷ giá tại nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất. Trước đó, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang bán giao ngay… Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, giúp cân bằng các chiều cạnh, để tỷ giá không tác động quá tiêu cực tới nền kinh tế.
Còn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định, quyết định tăng giá bán USD hỗ trợ thị trường của Ngân hàng Nhà nước là tìm điểm cân bằng mới. Bởi lẽ, nhu cầu ngoại tệ tại Việt Nam đang khá lớn và có một phần tích lũy từ trước chuyển vào giai đoạn này.
Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) Lê Quang Trung cho rằng, chỉ số Dollar-Index đang ở vùng đỉnh 20 năm trở lại đây. Diễn biến lạm phát cao trên thế giới và động thái tăng lãi suất của FED đã tạo áp lực mất giá đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, mức độ mất giá của VND là ít nhất trong rổ tiền tệ của nhiều quốc gia.
Bảo đảm trong tầm kiểm soát
Theo thống kê từ Công ty cổ phần Chứng khoán ACB, từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ. Ước tính, dự trữ ngoại hối hiện tại ở mức 89 tỷ USD, tỷ lệ bao phủ nhập khẩu giảm còn khoảng 12 tuần. Có nhiều lo ngại lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam “mỏng” đi, gây bất lợi cho nền kinh tế, song, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được củng cố mạnh trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ là hoạt động điều hành bình thường. Vấn đề quan trọng là trạng thái ngoại tệ ổn định, nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp được đáp ứng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục linh hoạt điều tiết để bảo đảm cung - cầu. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng phương pháp điều hành tỷ giá trung tâm, theo nguyên tắc thị trường là cân đối ngoại tệ bảo đảm trong tầm kiểm soát.
Dự báo về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm 2022, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, tỷ giá vẫn chịu áp lực do giá trị USD neo ở mức cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất (dự kiến lãi suất mục tiêu hơn 4% và giữ nguyên đến hết năm 2023). Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2022, giá trị VND có thể chỉ điều chỉnh 3,5-4% so với USD.
Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam Đinh Đức Quang nhìn nhận, VND không thể tránh khỏi sự suy yếu chung của các đồng tiền trên toàn châu Á bởi sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Do đó, VND có khả năng giảm giá thêm, mặc dù khoản trượt giá có thể được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cuối quý IV-2022, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng, các doanh nghiệp chuẩn bị hàng phục vụ Tết, hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm tài chính… dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng. Song không có lý do gì để quan ngại về thị trường ngoại hối, bởi Việt Nam đang có nền tảng kinh tế vĩ mô khá tốt, kinh tế tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư...
Hà Linh