1. Chứng khoán

Ba động lực tăng trưởng cho Việt Nam và định giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Ba động lực tăng trưởng cho Việt Nam

Ông Alex Hambly, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư, VinaCapital đánh giá, GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 12-18 tháng tới. Trong đó có sự thay đổi về xuất khẩu chậm lại do nền kinh tế Mỹ chậm lại, ngược lại tăng trưởng tiêu dùng và sản xuất trong nước sẽ bù đắp được sự giảm sút từ xuất khẩu.

Ông Alex Hambly, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư, VinaCapital

Đề cập yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, ông Alex Hambly nhận định câu trả lời nằm ở thị trường bất động sản.

“Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản rất lớn, nhu cầu cao nhưng cung thấp. Điều quan trọng là ý chí của Nhà nước về chính sách quản lý thị trường bất động sản để bánh xe quay trở lại, đạt tốc độ tăng trưởng trở lại”, ông Alex Hambly cho biết.

Chuyên gia VinaCapital nhấn mạnh 3 động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong dài hạn, các yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau. Bao gồm công nghiệp hóa được hỗ trợ bởi FDI, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng (tăng trưởng thu nhập và tốc độ đô thị hóa, nhân khẩu học) và làn sóng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện

Về động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây, chuyên gia này cho rằng, dễ hiểu khi Việt Nam cũng sẽ giảm lãi suất và điều này tốt cho thị trường bất động sản và chứng khoán.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital dự báo, kinh tế tăng trưởng 6,5% năm nay và năm tới nhờ các đầu kéo khác nhau. Với năm 2025, động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công và tiêu dùng nội địa quay trở lại.

“Fed giảm lãi suất giúp Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì được biến động tỷ giá 2%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, bất động sản hồi phục tốt, giá trị giao dịch tăng 30% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Ngân hàng nhà nước có dư địa cắt giảm lãi suất dù đã ở mức thấp”, bà Thu nêu.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital

Bà Thu đánh giá, cải thiện chính sách giúp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Luật Các tổ chức tín dụng tăng tính minh bạch của hệ thống và đồng bộ với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có hiệu lực 1/8/2024. Luật Đất đai có thể giúp tăng nguồn cùng nhà ở, bảo vệ lợi ích tốt hơn người mua nhà.

Chuyên gia này kỳ vọng, Luật Đầu tư công giúp giải quyết ách tắc giải ngân đầu tư công, phát triển hạ tầng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, bà Thu cũng đề cập yếu tố khách du lịch tăng trưởng ấn tượng giúp khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam đã vượt mốc trước COVID, dự báo có thể đạt hơn 18 triệu du khách trong năm nay…

Định giá chứng khoán hấp dẫn trong khu vực

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập VinaCapital cho biết, nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. Hội nghị Nhà đầu tư 2024 do tập đoàn tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của 130 nhà đầu tư khắp năm châu, đại diện cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, từ các công ty khởi nghiệp công nghệ đến các tập đoàn công nghiệp và các định chế tài chính lớn.

“Thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi trong năm qua. Những căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn vẫn còn bất ổn. Tuy nhiên, sự bền bỉ, lạc quan, quyết tâm tiến về phía trước và phát triển bền vững của Việt Nam vẫn tiếp tục mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế nhiều cơ hội hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn chia sẻ thêm về những cơ hội này, cũng như lý do vì sao chúng tôi tin rằng VinaCapital là công ty quản lý đầu tư có vị thế tốt nhất để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các cơ hội đó”, ông Don Lam cho biết.

Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Hoài Thu nhìn nhận, định giá thị trường Việt Nam các năm qua vẫn rẻ, từ năm 2022 tới nay ở quanh mức 10-12 lần. Định giá P/E dự phóng 2025 là 10,1 lần, là mức rất rẻ, thấp hơn so với trung vị bình quân 10 năm.

“Mức định giá P/B cũng rất rẻ, hiện bằng mức giai đoạn COVID, điều này là vô lý vì 10 năm trước ngành ngân hàng, ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất thị trường khác hiện nay nhiều, hiện chất lượng ngành này cải thiện rất nhiều”, bà Thu đánh giá.

So với định giá khu vực đang ở vùng 11,2-14,1 lần, chuyên gia VinaCapital nhận định, định giá thị trường chứng khoán Việt đang rất hấp dẫn, rẻ hơn 25%.

Về động lực giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng giai đoạn tới, bà Thu cho rằng đến từ nền tảng kinh tế đang được cải thiện tốt, GDP ở mức cao so với thế giới; tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi của doanh nghiệp ở mức 23% trong khi định giá lại thấp so với khu vực. Thị trường có chất xúc tác mạnh nhờ câu chuyện nâng hạng thị trường. Dự báo năm 2025 tổ chức FTSE sẽ bắt đầu công bố nâng hạng thị trường Việt Nam lên mới nổi, theo đó chính thức có hiệu lực từ 2026.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2025 của nhiều nhóm ngành

Với các yếu tố tích cực nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong 12-18 tháng tới, nhờ tăng trưởng lợi nhuận sẽ kéo theo tăng trưởng thị trường.

“Dựa trên phân tích dữ liệu biểu đồ kéo dài 15 năm, VN-Index so với EPS thị trường đi đồng pha nhau. Nếu có động lực tăng trưởng lợi nhuận tốt thì hầu như thị trường đi lên, chưa kể các yếu tố hỗ trợ như vĩ mô, chất lượng lợi nhuận, chất lượng tài sản được cải thiện tốt. Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế”, bà Thu nêu.

Dĩ nhiên, có áp lực bán ròng của NDT NN – do tác động của Fed duy trì lãi suất cao nhất trong nhiều năm, chỉ cần gửi tiết kiệm mà có đc lãi suất 5% mà không có rủi ro, nên rút ròng trên diện rộng ở nhiều thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam.

Đề cập tới hoạt động bán ròng của khối ngoại, bà Thu cho biết, việc rút vốn diễn ra ở các thị trường mới nổi, cận biên chứ không riêng gì Việt Nam. Hiện lực bán đang giảm dần, những phiên giao dịch đầu tháng 10 khối ngoại đang hút tiền lại, cho thấy dòng tiền ngoại sẽ quay lại. Điều này đến từ động thái cắt giảm lãi suất của Fed, áp lực tỷ giá được gỡ bỏ, đánh giá lợi nhuận doanh nghiệp tăng tốt, đón đầu nâng hạng thị trường…

Rủi ro cho thị trường, theo bà Thu đến từ tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại; Trung Quốc dư thừa hàng hóa nên có thể bán rẻ ở các thị trường, xuất khẩu mạnh hàng hóa để tìm động lực tăng trưởng; rủi ro địa chính trị gây quan ngại cho nhà đầu tư.

Trong nước, tiêu dùng nội địa có cải thiện nhưng còn yếu, thị trường bất động sản phục hồi chậm, lạm phát cao hơn có thể tác động đến chính sách tiền tệ, trì hoãn trong việc FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam có thể gây thất vọng cho nhà đầu tư..

Huyền Châm

Tin khác