1. Tài chính

Áp lực tăng tỷ giá trong ngắn hạn

Sau bước tăng mạnh do ảnh hưởng từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng USD đã có phiên đảo chiều khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất. Cụ thể, khi ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với các chính sách về nhập cư, thuế quan và thương mại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ, chỉ số USD Index (DXY) có thời điểm tăng chạm mốc 105,44, mức cao nhất kể từ ngày 3/7. Tuy nhiên, một ngày sau đó, DXY đã giảm về mức 104,49 điểm, khi Fed đã tiếp tục hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đúng như kỳ vọng thị trường.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định.

Phản ứng cùng chiều, ngày 7/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng thêm 25 đồng, lên mức 24.283 VND/USD. Đây là mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016. Tại tất cả ngân hàng lớn, tỷ giá USD đã được niêm yết kịch trần, giá bán USD ở mức 25.497 VND/USD - mức giá cao nhất lịch sử, cao hơn cả giai đoạn tháng 4, tháng 5/2024. Bước sang ngày 8/11, tỷ giá đã hạ nhiệt, tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng/USD. Tương tự, các ngân hàng thương mại giảm mạnh chiều mua vào, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 25.121 – 25.491 VND/USD, giảm 46 đồng chiều mua, 6 đồng chiều bán.

Tỷ giá USD/VND quay đầu giảm giúp giải tỏa bớt áp lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, bất kể kết quả bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào thì áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này, thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận 26.000 VND/USD.

“Chưa kể yếu tố bên ngoài, việc các doanh nghiệp thường tăng nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm do yếu tố mùa vụ; và Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua vào USD tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng cũng đủ gây áp lực lên tỷ giá”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích.

Có cùng nhận định, báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, sự mất giá của đồng VND không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài mà còn bởi nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng theo tính mùa vụ. Theo MBS, nhu cầu ngoại tệ thường tăng vọt trong tháng 10 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho mùa sản xuất cuối năm.

Bên cạnh đó, các nghĩa vụ trả nợ quốc tế trị giá khoảng 1 tỷ USD cũng đã khiến nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước tăng cao trong thời gian gần đây. Được biết, riêng trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với khối lượng tối đa khoảng 940 triệu USD, qua đó, nâng tổng khối lượng USD được mua từ đầu năm lên gần 1,3 tỷ USD. Điều này đã khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Trong bản tin thị trường tiền tệ mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, nhu cầu về USD trên thị trường chưa hạ nhiệt khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giao dịch quanh mức trần theo quy định, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do cũng đã bật nhanh về lại gần mức đỉnh. SSI giữ quan điểm áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có, do những yếu tố bên ngoài và kết hợp với các giao dịch thoái vốn đột biến trên thị trường chứng khoán.

Kể từ đầu tháng 10, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 2,8% lên mức 25.295 VND/USD vào ngày 30/10. Đồng VND hiện đã mất giá khoảng 3,9% so với đồng USD tính từ đầu năm, và đang tiến gần tới mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng lên mức 25.772 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đang niêm yết tại 24.246 VND/USD, tăng lần lượt 4,2% và 1,7% so với đầu năm 2024.

Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng cho rằng tỷ giá từ đây đến cuối năm sẽ có những thử thách nhất định khi tâm lý thị trường có thể chọn những phương án ít rủi ro để đầu tư và chờ đợi những tác động trực tiếp từ chính sách của ông Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Chứng khoán MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt do đợt biến động này chủ yếu chịu tác động của yếu tố mùa vụ.

Bên cạnh đó, việc Fed sẽ tiếp tục chu kỳ giảm lãi suất và các biện pháp can thiệp kịp thời của NHNN cũng sẽ hỗ trợ kiềm chế việc áp lực tỷ giá gia tăng. Áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 - 25.000 VND/USD vào cuối năm 2024, được hỗ trợ bởi những yếu tố như: Thặng dư thương mại tích cực (~20.8 tỷ USD trong 9 tháng), dòng vốn FDI 17,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 43% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024.

Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024. Về yếu tố bên ngoài, các nhà giao dịch hiện đang định giá 75% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12. Việc đồng bạc xanh đã suy yếu vào phiên giao dịch vừa qua sau quyết sách của Fed sẽ giúp cho các đồng tiền khác bớt áp lực.

Phía NHNN, cơ quan này cho biết với cơ chế tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt theo hai chiều tăng/giảm và biên độ tỷ giá USD/VND hàng ngày +/-5%, NHNN điều hành tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh đó, NHNN linh hoạt áp dụng các biện pháp mua/bán can thiệp ngoại tệ trên thị trường khi cần thiết. Đồng thời, NHNN phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với công tác truyền thông, các công cụ chính sách tiền tệ khác, cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Nhìn chung, giai đoạn từ 2022 đến tháng 10/2024, mặc dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền”, NHNN thông tin.

Hà An

Tin khác