1. Chứng khoán

Ai là cổ đông chính của Công ty chứng khoán Tiên Phong vừa bị đưa vào diện cảnh báo?

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có quyết định về việc đưa cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong vào diện cảnh báo kể từ ngày 16/4.

Theo đó, HOSE thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu ORS vào diện cảnh báo kể từ ngày 16/4, do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2024.

Theo BCTC năm 2024, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của hơn 28 tỷ đồng khoản phải thu của Chứng khoán Tiên Phong. Các khoản phải thu này là phí dịch vụ liên quan đến các lô trái phiếu mà Công ty đã tư vấn và làm đại lý.

Đây đều là những trái phiếu đã bị ngừng giao dịch, trước đó được phát hành bởi các công ty có mối liên hệ với Bamboo Capital, bao gồm những cái tên như CTCP BCG Land, CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Gia Khang, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios, CTCP Tập đoàn Xây dựng Tracodi.

Theo giải trình của ORS, vào các ngày 25/02/2025 và 20/03/2025, các lô trái phiếu BCLCH2124001, GKCCH2124001, GKCCH2124002, HISCH2124001 và TCDH2227002 phát hành bởi các công ty: Công ty cổ phần BCG Land, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gia Khang, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi đã bị tạm ngừng giao dịch với tổng giá trị là 8.990 tỷ đồng.

Đây là các lô trái phiếu do TPS là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng và đại diện người sở hữu trái phiếu.

Theo giới thiệu trên website, CTCP Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 4/2019.

Với sự hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và hệ sinh thái từ TPBank, TPS định hướng phát triển lĩnh vực: Ngân hàng đầu tư, dịch vụ môi giới và quản lý tài sản chuyên nghiệp.

Công ty này được niêm yết sàn HOSE vào tháng 11/2021. Sau nhiều lần tăng vốn, TPS hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (theo báo cáo thường niên 2023).

Cũng theo tài liệu này, tại thời điểm 29/3/2024, công ty chứng khoán có tổng cộng 12.142 cổ đông (trong nước 12.104 cổ đông - 97,36%, nước ngoài 38 cổ đông - 2,64%).

Hai cổ đông lớn bao gồm TPBank (sở hữu hơn 27 triệu cp, tương ứng với 9,01% vốn) và bà Nguyễn Thị Vân Anh (sở hữu hơn 15 triệu cp, tương ứng với 5,05% vốn).

Ảnh: Báo cáo thường niên 2023 của TPS.

Báo cáo quản trị 2024 của TPS cho thấy TPBank vẫn đang duy trì tỷ lệ sở hữu 9,01%.

Về TPBank, nhà băng này là ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập vào năm 2008. TPB được niêm yết và giao dịch trên HOSE từ năm 2018.

Hiện chủ tịch ngân hàng là ông Đỗ Minh Phú. Tháng 4/2023, ông Phú được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của TPBank nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây chính là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (đồng thời là anh trai ông Đỗ Anh Tú).

Cùng với đó, ông Phú cũng giữ các chức vụ: Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore; Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam; Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Mỹ; Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Phú là Cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Kỹ thuật Vô tuyến điện.

TPBank có vốn điều lệ 22.016 tại cuối năm 2023, sau đó nâng lên thành 26.420 tỷ đồng như hiện tại.

Theo báo cáo thường niên 2023, số lượng cổ đông thời điểm cuối năm 2023 là 28.380 cổ đông. Cổ đông trong nước sở hữu 70,28% vốn, còn nước ngoài chiếm 29,72%. TPBank có 1 cổ đông Nhà nước nắm giữ 2,64% vốn, 2 cổ đông lớn nắm tổng cộng 12,7% vốn (cuối 2023).

Đến cuối năm 2024, báo cáo quản trị mới đây cho thấy một trong số cổ đông lớn là Doji, với gần 157 triệu cp, tương ứng với 5,9% vốn.

4 tổ chức liên quan đến bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Thành viên Ban kiểm soát TPBank, đang sở hữu tổng cộng 15,5% vốn. Đó là Công ty TNHH VG, Công ty TNHH FD, Công ty TNHH JB, Công ty TNHH SP (đều do bà Nguyệt làm Chủ tịch).

SBI Ven Holdings Pte. Ltd., tổ chức liên quan Phó Chủ tịch TPBank Shuzo Shikata đang sở hữu 4,5% vốn.

Ngoài ra, Pyn Elite Fund từng báo cáo sở hữu 5,99% vốn TPBank tại thời điểm 12/10/2020. Cho đến nay, quỹ chưa báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu.

Cổ đông cá nhân sở hữu đáng kể tại TPBank gồm các ông/bà: Đỗ Anh Tú (3,7%); Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch TPBank (3,6%); Đỗ Minh Quân, con trai ông Tú (3,3%); Đỗ Quỳnh Anh, con gái ông Tú (3,1%); Đỗ Minh Đức, con trai ông Phú (1,1%); Đỗ Vũ Phương Anh, con gái ông Phú (1,1%). Trong khi đó, Chủ tịch Phú không trực tiếp sở hữu cổ phần.

Mai Trang tổng hợp từ báo cáo quản trị 2024 của TPBank.

Về phần cổ đông nội bộ, thời điểm cuối 2024, Công ty TNHH Đầu tư TP Việt Nam (do Chủ tịch Hội đồng quản trị TPS Đỗ Anh Tú đồng thời làm Phó Chủ tịch) sở hữu 12,6 triệu cp, tương ứng với 3,75% vốn TPS. Ngoài ra, các cổ đông nội bộ (bao gồm ông Tú) và bên liên quan không nắm giữ cổ phiếu hoặc tỷ trọng không đáng kể.

Theo giới thiệu, ông Tú được bổ nhiệm làm Chủ tịch TPS vào tháng 10/2019. Ông hiện đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank và Phó Chủ tịch thường trực CTCP Dinana thuộc Tập đoàn Unicharm, Nhật Bản. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực quản trị thương hiệu và marketing. Ông Tú là Phó Tiến sĩ ngành máy năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Czech.

Trang Mai

Tin khác