Ai là chủ sở hữu Tập đoàn Lộc Trời?
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) mới đây đã có công văn đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, trước cáo buộc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.
Trước đó, ngày 24/7, doanh nghiệp này cũng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cựu lãnh đạo. Lộc Trời cho rằng ông Thuận "có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm".
Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên Lộc Trời đang chứng kiến hàng loạt xáo trộn liên quan đến thượng tầng thời gian gần đây. Sau khi miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn đã phải trực tiếp chỉ đạo và điều hành mọi hoạt động cho đến khi có tổng giám đốc mới.
Cơ cấu cổ đông của Lộc Trời
Tiền thân của CTCP Tập đoàn Lộc Trời là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang được UBND tỉnh An Giang thành lập vào năm 1993 với lĩnh vực chính là cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón. Cơ sở vật chất ban đầu của doanh nghiệp rất hạn chế, số vốn chỉ 750 triệu đồng cùng 23 nhân viên.
6 năm sau, công ty nâng vốn lên gấp 57 lần, doanh thu tăng vọt lên 600 tỷ đồng so với con số 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, nộp ngân sách tổng cộng 109,8 tỷ đồng.
Sau 31 năm hoạt động, Lộc Trời liên tục mở rộng sang các ngành nghề nông nghiệp khác như nghiên cứu, sản xuất hạt giống, tham gia vào chuỗi giá trị lương thực như lúa gạo, cà phê và đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nông nghiệp.
Về ông Nguyễn Quang Thuận, cựu Tổng giám đốc được Lộc Trời bổ nhiệm từ tháng 5/2020, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tập đoàn, đặc biệt ở mảng lúa gạo.
Trước khi đảm nhiệm vị trí đứng đầu công ty, ông Thuận từng trải qua các vị trí như Giám đốc tài chính, Giám đốc nhân sự, Phó trưởng ban điều hành các ngành vật tư nông nghiệp và lương thực. Từ năm 2019 đến nay, ông Thuận không sở hữu bất cứ cổ phiếu LTG nào.
Trong khi đó, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu LTG nhất với 3,17 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 3,16% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Lộc Trời còn có 3 cổ đông lớn là Marina Viet Pte. Ltd (25,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,21%), UBND tỉnh An Giang (24,3 triệu cổ phiếu, chiếm 24,15%) và Augusta Viet Pte. Ltd (5,7 triệu cổ phiếu, chiếm 5,71%).
Theo báo cáo thường niên năm 2023, Lộc Trời có khoảng 6.279 cổ đông tính tới ngày cuối năm. Trong đó, các cổ đông nước ngoài chiếm hơn 42% cổ phần.
Cổ đông lớn lần lượt rời đi
Lộc Trời từng được nhiều quỹ, tổ chức trong và ngoài nước săn đón. Tuy nhiên, việc thị giá LTG liên tục biến động mạnh vài năm trở lại đây đã kích hoạt làn sóng thoái vốn lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp.
Gần nhất là vào tháng 11/2023, nhóm quỹ Endrance Capital Vietnam tuyên bố không còn là cổ đông lớn của tập đoàn chỉ sau vỏn vẹn 4 tháng.
Cụ thể, 2 thành viên thuộc quỹ Endurance Capital là Endurance Capital Vietnam I Limited và Endurance Capital Vietnam II S.A. SICAV-RAIF đã bán ra lần lượt 252.660 cổ phiếu và 172.340 cổ phiếu LTG, qua đó giảm số lượng sở hữu từ hơn 5,44 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,4%) xuống còn hơn 5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,98%).
Trước Endrance Capital Vietnam, quỹ ngoại Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund cũng rời vị trí cổ đông lớn của Lộc Trời sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% vào tháng 11/2020. Hiện quỹ này đang nắm 5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,96%.
Giữa năm 2019, Standard Chartered Private Equity cũng thoái toàn bộ hơn 8,2% vốn của Lộc Trời và thu về 152 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối năm 2014, quỹ ngoại đến từ Singapore này đã chi hơn 90 triệu USD để mua 21,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 34%) của Lộc Trời từ nhóm VinaCapital, tương đương 85.000 đồng/cổ phiếu. Hơn 1 năm sau, Standard Chartered Private Equity bán hơn 25% vốn cho Marina Viet Pte. Ltd và chịu lỗ gần 750 tỷ đồng.
Xa hơn, vào năm 2017, Mekong Capital bán toàn bộ cổ phiếu sau khi Lộc Trời lên UPCoM với giá bình quân 68.000 đồng/đơn vị. Trong đó, quỹ thành viên Vietnam Azalea Fund thu về 9,2 triệu USD nhờ bán 75% lượng cổ phiếu LTG nắm giữ, lãi gấp đôi giá trị khoản đầu tư ban đầu là 4,4 triệu USD cách đó gần 9 năm.
Giá cổ phiếu lao dốc
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LTG đang được giao dịch quanh mốc 12.200 đồng, thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.
Tính từ đầu năm, thị giá LTG đã giảm 47%. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng bị kéo xuống còn 1.229 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2022-2023, thị giá LTG có diễn biến tương đối tương đồng với thị trường chung. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3 năm nay, mã này bắt đầu điều chỉnh mạnh sau khi tập đoàn vướng vào một loạt lùm xùm.
Bên cạnh việc chứng kiến kết quả kinh doanh cả năm 2023 đầy thất vọng với khoản lợi nhuận sau thuế giảm 96% so với cùng kỳ xuống 16 tỷ đồng, Lộc Trời còn nợ khoảng 472 tỷ đồng tiền mua lúa của 900 nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào hồi tháng 5, tương ứng khoảng 19% tổng giá trị lúa mua trong vụ Đông Xuân.
Lý giải về tình trạng nợ này, Lộc Trời cho hay công ty chưa thu xếp kịp dòng tiền từ vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng khi giá gạo biến động mạnh.
Song, bước ngoặt đáng chú ý nhất vẫn là sự kiện miễn nhiệm cựu Tổng giám đốc Nguyễn Quang Thuận. Trong vòng nửa tháng từ thời điểm công bố, giá cổ phiếu LTG đã lao một mạch 40% xuống 15.000 đồng/đơn vị.
Làn sóng ồ ạt ra đi của các lãnh đạo cấp cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Sau ông Thuận, ông Johan Sven Richard Bode cũng nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân chỉ sau 2 tháng đảm nhận.
Trong khi đó, 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Thúy và ông Tiêu Phước Thạnh cũng xin từ nhiệm. Hiện Ban kiểm soát chỉ còn Trưởng ban là ông Uday Krishna.
Minh Khánh