Agriseco điểm danh những nhóm ngành hưởng lợi khi Trung Quốc tung các gói kích thích
Mới đây, Trung Quốc đã tung ra một loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh quốc gia này gặp nhiều khó khăn do sự trì trệ của thị trường nhà ở và tiêu dùng nội địa ảm đạm. Với gói kích thích kinh tế quy mô lớn và động thái quyết liệt, Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Các chính sách kể trên sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Agriseco Research vừa đưa ra báo cáo phân tích đánh giá các vấn đề này.
Các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã công bố các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid 19 tới nay. Trong đó, các nhóm giải pháp bao gồm: Nới lỏng chính sách tiền tệ; Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường nhà ở; Hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Đối với nhóm giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, PBoC đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. PBoC cũng sẽ giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,5%; giảm lãi suất cho vay trung hạn 0,3% và lãi suất cho vay cơ bản 0,2 – 0,25%.
Đối với nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường nhà ở, các khoản vay mua nhà hiện hữu sẽ được giảm 0,5% lãi suất. Đồng thời sẽ giảm tỷ lệ chi trả tối thiểu ban đầu cho khoản vay mua nhà thứ hai từ 25% về 15%. Mức hỗ trợ tối đa dành cho các khoản vay được tài trợ bởi PBoC sẽ tăng từ 60% lên thành 100%.
Ngoài ra, nhóm giải pháp cũng bao gồm việc kéo dài thời gian hỗ trợ đối với các khoản vay của các nhà phát triển bất động sản đến hết năm 2026.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán, Trung Quốc cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn của PBoC để mua cổ phiếu, trái phiếu, ETFs với hạn mức hơn 70 tỷ USD. PBoC cũng có gói vay lãi suất 1,75% dành cho các ngân hàng với hạn mức khoảng 42 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết mua lại cổ phần.
Ngay sau khi các thông tin về chính sách hỗ trợ của Trung Quốc được công bố, các thị trường chứng khoán ở châu Á và thế giới đều phản ứng tích cực. Sau phiên giao dịch ngày 24/9, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng tích cực nhất kể từ đầu năm tới nay.
Tác động tới thị trường Việt Nam
Theo Agriseco Research, với việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam được kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Ngoài ra, cú hích từ gói kích thích sẽ tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán và chúng tôi kỳ vọng đây là nhân tố thúc đẩy quá trình đảo chiều dòng vốn ngoại từ trạng thái bán ròng thành mua ròng tại các thị trường châu Á giai đoạn cuối năm”, Agriseco Research cho biết.
Các chính sách của Trung Quốc kỳ vọng có thể kích thích cầu tiêu dùng trong nước qua đó tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 37,86 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.
Về phía nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 99,29 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Với kỳ vọng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi sẽ giúp chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu được tiết giảm, hỗ trợ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Với các ngành nghề cụ thể, trong đó có nhóm thép, các nhóm giải pháp của Trung Quốc tập trung vào nới lỏng chính sách tiền tệ hay hỗ trợ thị trường nhà ở đều kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, ngành xây dựng và vật liệu của quốc gia này. Nhu cầu vật liệu xây dựng như thép có thể tăng lên từ vùng đáy và tác động đến giá thép toàn cầu.
Dầu khí cũng là lĩnh vực được đánh giá sẽ chịu tác động tích cực. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc sẽ chiếm hơn 1/4 tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng lên một cách nhanh chóng và khiến giá dầu tăng cao.
Đáng chú ý, 2 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực là thủy sản và cao su của Việt Nam, với các đại diện cổ phiếu tiềm năng như VHC, ANV, GVR, DRI được kỳ vọng hưởng lợi.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,02 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Với các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế, kích thích cầu tiêu dùng, kỳ vọng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như cá tra, tôm sẽ được hưởng lợi và tiếp tục cải thiện.
Với ngành cao su, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Kỳ vọng các ngành công nghiệp sản xuất đặc biệt là ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ phục hồi kéo theo nhu cầu cao su tăng trưởng. Các doanh nghiệp cao su của Việt Nam kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh giá cao su tăng cao như hiện tại.
Lam Phong