1. Tài chính

ADB hạ mức tăng trưởng GDP Việt Nam trong 2 năm, nhưng kỳ vọng vào nông nghiệp

Hạ mức tăng trưởng GDP, vì xuất khẩu không khả quan

Trong buổi họp báo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam, diễn ra vào ngày 27/9, ông Nguyễn Bá Hùng, kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam (GDP) trong năm 2023 có thể đạt mức 5,8%. Sang năm 2024, mức tăng trưởng có thể đạt 6%.

ADB hạ mức tăng trưởng GDP Việt Nam trong 2 năm. (Ảnh: VV)

Trước đó, vào tháng 4/2023, ADB dự báo GDP Việt Nam trong năm 2023 có thể đạt mức 6,5% và năm 2024 có thể đạt mức 6,2%. Như vậy, ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả 2 năm 2023 và 2024.

Ông Nguyễn Bá Hùng phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hạ mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ví dụ như nhu cầu bên ngoài giảm, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu.

Chuyên gia của ADB cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,4% trong tám tháng đầu năm 2023, khiến số doanh nghiệp phải đóng cửa ngày càng nhiều.

"Tính trung bình, mỗi tháng có 15.600 công ty đóng cửa và hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc. Tăng trưởng chung của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng đã giảm tới 16,4%, xuống còn 194,7 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2023. Do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu, thặng dư thương mại gia tăng, đạt 20,2 tỷ USD trong cùng kỳ.

Chuyên gia của ADB dự báo, nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.

Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5,0% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3,0% GDP.

“Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2,0% GDP vào năm 2024”, ông Hùng cho biết.

Vẫn có một số ngành tăng trưởng tốt

Theo chuyên gia của ADB, bên cạnh các chỉ số kinh tế có dấu hiệu suy giảm, thì vẫn còn đó một số lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng tốt. Cụ thể, dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan.

Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ.

Toàn cảnh họp báo. (Ảnh: VV)

Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Trong đó, chuyên gia kỳ vọng vào việc Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay.

Thực tế cho thấy, trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Trong tám tháng đầu năm 2023, gần 50% kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm đã được thực hiện, tăng từ mức 33,0% vào cuối tháng 6 năm 2023.

Việc tăng tốc chi tiêu của chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.

Dù vậy, chuyên gia ADB cảnh báo, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.

Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam.

“Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng đô-la Mỹ mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng”, chuyên gia ADB nói.

Định Trần

Tin khác