1. Tài chính

7 thách thức ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp

Sức mua của người tiêu dùng giảm sút là một trong những thách thức với lợi nhuận của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Theo Báo cáo mới công bố của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), triển vọng lợi nhuận dự kiến của nhiều doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023 chưa cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. 54,6% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận của mình sẽ có cải thiện nhẹ so với những tháng vừa qua trong năm nay; trong khi 4,5% số doanh nghiệp dự báo là không thay đổi và 40,9% số doanh nghiệp nhận định sự phục hồi vẫn hết sức chậm chạp; thậm chí, có thể trong ngắn hạn, vẫn sẽ ghi nhận sự suy giảm.

Có 7 thách thức được doanh nghiệp chỉ ra trong những tháng còn lại trong năm nay bao gồm: sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường bị thu hẹp; bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; kinh tế thế giới phục hồi chậm; lạm phát vẫn ở mức cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn; sức ép về lãi suất vay ngân hàng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, không thể phủ nhận đây đều là những bài toán phức tạp, những rào cản lớn đã ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của thị trường và khó có doanh nghiệp nào có thể "miễn nhiễm". Do vậy, câu chuyện chinh phục các thách thức này sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều. Trong các yếu tố được doanh nghiệp chỉ ra, sức mua yếu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn là hai rào cản lớn nhất trong những tháng cuối năm với lần lượt 77,3% và 72,7% số doanh nghiệp lựa chọn.

Dù có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định là thách thức lớn trong những tháng cuối năm đã giảm nhẹ hơn so với trước. Song so với kết quả khảo sát cách đây một năm, yếu tố sức mua yếu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn với khoảng 29%. Nhu cầu yếu cùng với việc gia tăng hàng rào bảo hộ của các đối tác thương mại khiến tháng 8 vừa qua là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu theo tháng của Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), sức cầu trong nước cũng chững lại do sự giảm dần hiệu ứng xuất phát điểm thấp của giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong năm 2022 và do niềm tin của người tiêu dùng đang yếu đi. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cuối giảm chỉ còn 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng sụt giảm, vấn đề thị trường tiêu thụ khó khăn đã góp phần làm tăng lượng hàng tồn kho ngoài dự kiến, gây áp lực không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu chưa chấm dứt giai đoạn bất ổn, thậm chí có những thay đổi sâu sắc có tính bước ngoặt. Các nước trên thế giới vẫn đang tìm lời giải cho các "bài toán khó" giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; giữa quyết định đa phương hóa và cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh. Xung đột quốc gia giữa Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn, dự báo sẽ còn nhiều rủi ro tạo ra biến động kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về khía cạnh kinh tế, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Rủi ro từ các hệ thống tài chính chưa hoàn toàn biến mất. Đầu tư, thương mại quốc tế suy giảm trong khi tâm lý tiết kiệm, phòng thủ tăng lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% vào năm nay, cao hơn so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua 0,2 điểm %, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử là 3,8%. Do vậy, không chỉ sự bất ổn chính trị - xã hội toàn cầu mà diễn biến phục hồi chậm của kinh tế thế giới cũng tiếp tục là một trong những khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối diện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, so với những tháng trước, đa số các khó khăn lớn được chỉ ra từ nay tới cuối năm đều có tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn thấp hơn. Điển hình là sức ép lãi suất vay ngân hàng. Dù vẫn khiến doanh nghiệp lo ngại song tỷ lệ đánh giá đây là khó khăn lớn đã giảm đáng kể so với thời kỳ đầu năm, từ mức 50% xuống chỉ còn 31,8% nhờ vào những động thái nới lỏng dần chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thể hiện qua 4 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Tình hình lạm phát trên thế giới dù vẫn neo ở mức cao nhưng cũng được dự báo có thể là đã qua đỉnh. Điều này có thể sẽ phần này giảm bớt tâm lý lo lắng ở nhiều doanh nghiệp, ông Vinh nhìn nhận.

Tổng giám đốc Vietnam Report cho rằng, từ nay tới cuối năm, tập trung khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điều được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều dấu hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Song song đó, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường ngách, nâng cấp dịch vụ, thực hiện sản xuất các sản phẩm mới, tạo nên khác biệt so với trước đây.

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, hiểu rõ nhu cầu, tình hình cạnh tranh, đánh giá khả năng tiếp cận để xác định các thị trường mục tiêu phù hợp và phân bổ nguồn lực tối ưu để phát triển trong các thị trường đó. Cùng với việc ưu tiên cho đổi mới, nâng cấp sản phẩm hay cải thiện dịch vụ khách hàng, các doanh nghiệp cũng cần biết cách tối ưu hóa chi phí để duy trì lợi nhuận và tạo dự phòng rủi ro trước những biến động khó lường của tình hình kinh doanh, ông Vinh khuyến nghị./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Tin khác