1. Tài chính

4 giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản

Cần các giải pháp đồng bộ cho thị trường. Ảnh: DH

Cơ hội lớn từ hệ thống pháp lý và động lực kinh tế

Chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai 2024, khẳng định rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn. Điều này sẽ giúp giải phóng nguồn lực đất đai, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh hơn.

Cùng với Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, ba bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tạo nên một môi trường pháp lý hoàn chỉnh hơn, giúp thị trường bất động sản vận hành hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội và phân khúc nhà ở trung bình phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng dự báo thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nhà ở. Những yếu tố này sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Đặc biệt, nhu cầu về nhà ở, từ nhà ở xã hội đến các dự án nhà ở chất lượng cao, đang ngày càng gia tăng khi đời sống người dân được cải thiện và tầng lớp trung lưu mở rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện với không ít thách thức. Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, "dự án treo" và các thủ tục pháp lý chưa được giải quyết triệt để là một trong những yếu tố khiến thị trường thiếu tính minh bạch và giảm lòng tin của người dân. Việc này cũng khiến nguồn cung nhà ở chưa được đáp ứng kịp thời, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, mức giá đất đang tăng cao khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở, đặc biệt là các gia đình thu nhập thấp. Việc tăng giá đất và hiện tượng đầu cơ đất đai cũng đã làm tăng chi phí nhà ở, tạo ra sự mất cân đối giữa cung và cầu, đặc biệt ở các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tình trạng "sốt đất" ảo ở các khu vực vùng ven đã đẩy giá đất lên mức quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân, làm gia tăng nguy cơ hình thành "bong bóng" bất động sản. Việc này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội nếu không được kiểm soát và xử lý kịp thời.

4 giải pháp để tạo môi trường phát triển lành mạnh

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho đại đa số người dân, các chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ cả phía chính quyền và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh giải pháp về tăng cường minh bạch thông tin và quản lý giá trị đất đai, GS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một hệ thống thông tin rõ ràng và minh bạch hơn về thị trường bất động sản. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư và người mua nhà có thể tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời, tránh tình trạng "thổi giá" hay đầu cơ đất đai.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, cần giải pháp phân biệt rõ ràng giữa đầu tư và đầu cơ. Chuyên gia kinh tế cho biết trong cơ chế thị trường, đầu tư và đầu cơ đều là các yếu tố bình thường. Tuy nhiên, cần có chính sách thuế hợp lý để hạn chế tình trạng đầu cơ, đảm bảo thị trường phát triển bền vững. Đồng thời, cần làm rõ các quy định liên quan đến giá đất và giá trị thực của bất động sản để tránh tình trạng giá đất ảo.

Các chuyên gia cũng đồng quan điểm, cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là rất cấp thiết. Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản cần được cải cách mạnh mẽ, giảm bớt sự phức tạp và thời gian chờ đợi. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng triển khai các dự án, đồng thời tăng cường nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.

Và cuối cùng là cải thiện chính sách tài khóa và hỗ trợ người mua nhà. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Cần có các gói hỗ trợ tài chính, giảm lãi suất vay mua nhà, đặc biệt là với các đối tượng thu nhập thấp, giúp họ có thể tiếp cận nhà ở một cách dễ dàng hơn.

Theo Diệu Hoa/Diendandoanhnghiep.vn

Tin khác