1. Tài chính

370 nghìn doanh nghiệp là 370 nghìn số phận, cần được tiếp cận vốn!

TP Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, hiện đứng thứ 2 về dân số, đóng góp gần 20% GDP cả nước. Tám tháng đầu năm, tăng trưởng của thành phố ở mức cao so với các tỉnh thành trên cả nước, tỷ lệ vốn FDI, tăng trưởng tín dụng đều tốt.

Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc là 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng là 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, cơ cấu tín dụng của Hà Nội tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 11,3%. Một số ngành dịch vụ có dư nợ lớn, mức tăng trưởng cao như ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải kho bãi; hoạt động dịch vụ khác,...đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng cao khu vực dịch vụ của thành phố. Tiếp đó là tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 8,5%.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp, song bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN trên cả nước cũng như địa bàn Hà Nội vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu.

Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả; tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, với địa bàn quan trọng về cả chính trị và kinh tế như Hà Nội, việc tháo gỡ vốn cho DN để phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho phát triển kinh doanh của DN, qua đó đóng góp vào phát triển chung của Hà Nội là rất quan trọng.

370 nghìn DN trên địa bàn đã nhận được sự hỗ trợ từ ngành ngân hàng. Bản thân cấp ủy, chính quyền cũng vào cuộc, chỉ đạo sâu sát hơn, tháo gỡ các khó khăn, đồng hành cùng DN. Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, với DN, giảm lãi suất là quan trọng, nhưng đôi khi, là thái độ của ứng xử, cách thức phục vụ, thủ tục hành chính cần rút gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ cũng quan trọng không kém.

“370 nghìn DN là 370 nghìn số phận, mong được ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm để DN được tiếp cận với nguồn vốn trong khi DN còn có thể hấp thụ, còn khi đã không thể hấp thụ vốn, đã “chết lâm sàng” thì có mang “nhân sâm” cũng không thể sống lại”, Chủ tịch TP Hà Nội nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch TP, phải truyền thông, vì ngay cả gói hỗ trợ lãi suất, khảo sát cho thấy chỉ 29% DN biết. Như vậy, cần phải có cách thức lan tỏa để mang thông tin tới DN, đặc biệt là DNNVV.

Ghi nhận những phản ánh từ phía DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tổng hợp các ý kiến để tìm các giải pháp tháo gỡ. Những ý kiến của DN không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, mà liên quan tới các bộ ngành khác, cũng như về cơ chế hành chính, thủ tục pháp lý…, NHNN sẽ tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, đồng thời tham mưu để tháo gỡ.

Còn với những ý kiến trực tiếp phản ánh tới ngành ngân hàng, NHNN sẽ cùng đồng hành với DN. Về ý kiến hạ lãi suất, NHNN đã nhiều lần hạ lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào cân đối chí phí của từng ngân hàng. Còn về tỷ giá, việc điều hành tỷ giá và lãi suất sẽ phụ thuộc vào diễn biến tài chính thế giới và toàn nền kinh tế.

NHNN sẽ cố gắng giữ ổn định, tuy nhiên, các DN cũng cần chủ động nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo các diễn biến thị trường, mức lạm phát… để xây dựng chiến lược kinh doanh của mình. Đồng thời, DN cần phải minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho vay vốn. Đối với đề xuất về chuẩn tín dụng, NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối các thủ tục, rút gọn bớt để hỗ trợ DN, song phải đảm bảo không để xảy ra rủi ro…

Hà An

Tin khác