10 tỷ phú USD Việt Nam: Ông Trần Đình Long vững chân top đầu?
Đứng đầu trong nhiều ngành kinh doanh
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long là doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam, với 38% thị phần thép xây dựng trong nước tính tới cuối quý III/2024. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 22% ghi nhận nửa đầu năm 2015.
Từ năm 2014, Hòa Phát trở thành doanh nghiệp số 1 trên thị trường thép xây dựng. Từ thị phần 7% năm 2007, HPG vượt qua Pomina và Gang Thép Thái Nguyên - Tisco (TIS), chiếm hơn 19% thị phần năm 2014.
Từ đầu 2021, HPG trở thành nhà sản xuất thép thô lớn nhất Việt Nam, vượt cả Formosa.
Với mức tăng trưởng 28 lần trong 20 năm, HPG lọt top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Trong quý III/2024, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng vọt 51% so với cùng kỳ, lên 3.022 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực, với doanh thu đạt 4 tỷ USD; lợi nhuận tăng 2,4 lần so với cùng kỳ lên 9.210 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Vượt qua cú sốc của năm 2022-2023, kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng năm 2024 đã giúp cổ phiếu HPG hồi phục từ mức 11.000 đồng hồi tháng 10/2022 lên mức 27.000-29.000 đồng/cp như gần đây. Tài sản của ông Trần Đình Long từ mức 1,2 tỷ USD tăng hơn gấp đôi, lên 2,5 tỷ USD.
Vững chân nhất trong các tỷ phú USD Việt Nam?
Trong năm 2025, siêu dự án Dung Quất 2 phân kỳ 1 và 2 sẽ đi vào hoạt động, với công suất 5,6 triệu thép cuộn cán nóng (HRC). Đây được xem là cú hích giúp HPG bứt phá. Doanh thu và lợi nhuận HPG liệu có tăng vọt, còn ông Trần Đình Long sẽ thêm vững chắc trong danh sách các tỷ phú USD Việt Nam và bứt phá lên vị trí số 1?
Với kết quả kinh doanh quý III/2024 ấn tượng, HPG đang hồi phục nhanh chóng sau cú sốc giá thép và tiêu thụ thép thế giới sụt giảm trong năm 2022.
Doanh thu của HPG đang hồi phục mạnh, với hơn 100 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024 và có thể sớm trở lại mức đỉnh gần 151 nghìn tỷ đồng như trong năm 2021.
Lợi nhuận HPG cũng đang hướng về mức 15,3 nghìn tỷ đồng năm 2020 và kỳ vọng vẫn là kỷ lục hơn 37 nghìn tỷ đồng lợi nhuận như năm 2021. Trong 9 tháng, HPG đã có 9.210 tỷ đồng lợi nhuận.
Dự án Dung Quất 2, với tổng đầu tư lên tới 3 tỷ USD khi hoàn thành, sẽ giúp HPG vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Tại ĐHCĐ năm 2023, ông Trần Đình Long cho hay khi nhà máy Dung Quất 2 hoạt động, doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, tiêu thụ thép và giá thép cũng tăng theo những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản, nỗ lực thúc đẩy đầu tư công...
Bên cạnh đó, HPG sẽ tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD vào các siêu dự án khác ở Phú Yên như: Cảng Bãi Gốc (dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, Formosa không còn là rào cản đối với sự bứt phá của HPG; còn Tisco vẫn thường trong cảnh khó khăn tài chính.
Về mảng nông nghiệp, theo báo cáo quý III/2024, HPG tiếp tục duy trì thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường. Doanh nghiệp này cũng bứt phá trong mảng điện máy gia dụng và mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam.
HPG của ông Trần Đình Long cũng đang hưởng lợi khi giá thép thế giới quay đầu tăng mạnh trở lại từ mức 2.780 NDT/tấn hồi giữa tháng 8 lên mức 3.381 NDT/tấn hôm 16/10 trong bối cảnh Trung Quốc có quyết định “quay xe” quan trọng, dồn dập tung ra các giải pháp cứu vãn thị trường bất động sản và kích thích kinh tế.
Với việc hoàn thành giai đoạn 2 dự án Hòa Phát Dung Quất, lợi nhuận theo đó cũng gia tăng mạnh.
Hiện theo xếp hạng của Forbes, tỷ phú Trần Đình Long đang có khối tài sản 2,5 tỷ USD. Với tốc độ phát triển các dự án và gia tăng lợi nhuận, tài sản của ông Long cũng tăng tốc, có thể bám sát tỷ phú Phạm Nhật Vượng (tính tới ngày 15/10, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 4,2 tỷ USD theo Forbes), và luôn giữ vị trí trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.
Dù vậy, HPG của tỷ phú Long cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Đó là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, sự cạnh tranh gia tăng ở trong nước và quốc tế. Thuế nhập khẩu thép Trung Quốc vào Việt Nam hiện là 0% theo hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc. Ngoài ra còn là vấn đề môi trường và cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
HPG từng chứng kiến hai cú sốc (năm 2012 và 2022) khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Tập đoàn này lỗ nặng trong hai quý cuối năm 2022. Ông Trần Đình Long từng rớt khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes vào cuối năm đó.
Mạnh Hà