1. Tài chính

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN

1. Cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ năm 2024, diễn ra vào ngày 5/11, đã xác lập kỷ lục về chi tiêu khi tổng số tiền đóng góp cho các chiến dịch tranh cử lên tới 15,9 tỷ USD, trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận OpenSecrets, khoản chi tiêu này đã vượt qua con số 15,1 tỷ USD chi cho cuộc bầu cử năm 2020 và gấp đôi mức chi tiêu 6,5 tỷ USD của năm 2016.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

2. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, xuống biên độ 4,5%-4,75%. Các nhà hoạch định chính sách đánh giá thị trường lao động của Mỹ nhìn chung đã nới lỏng và lạm phát tiếp tục tiến tới mức mục tiêu 2%.

3. Trung Quốc khởi động một vòng hỗ trợ tài chính mới trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD), tập trung vào việc giảm gánh nặng nợ cho các chính quyền địa phương. Các chuyên gia đánh giá gói hỗ trợ này là một bước đi cần thiết để ổn định nền kinh tế Trung Quốc.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến đồng USD mạnh lên đã tạo sức ép đối với vàng. Ảnh: AFP/TTXVN

4. Thị trường vàng thế giới trải qua tuần giảm giá mạnh nhất trong 5 tháng qua. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đồng USD mạnh lên đã tạo sức ép đối với kim loại quý này. Giá vàng giao ngay phiên 8/11/2024 giảm 0,8% xuống 2.684,03 USD/ounce và ghi nhận mức giảm 1,8% trong tuần qua.

5. Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên trong lịch sử bứt phá khỏi mốc 6.000 điểm, chạm 6.012,45 điểm trong phiên 8/11/2024. Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, cùng với quyết định cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất của Fed đã đưa các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục.

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

6. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô tự nguyện ở mức 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 12/2024. Tổng Thư ký OPEC, Haitham Al Ghais, nhấn mạnh rằng tổ chức này rất lạc quan về nhu cầu dầu trong cả ngắn hạn và dài hạn. Công ty dầu khí Pháp TotalEnergies dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh sau năm 2030.

7. Giá đất hiếm đã trở thành tâm điểm của thị trường khi bất ngờ tăng vọt từ đầu tháng 11/2024. Nguyên nhân, theo tờ Global Times (Trung Quốc), là do nguồn cung bị gián đoạn ở Myanmar, trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Myanmar chủ yếu sản xuất các quặng ion đất hiếm nặng và trung bình, chiếm 11% sản lượng toàn cầu vào năm 2023.

8. Vương quốc Anh đang nhập khẩu lượng điện kỷ lục từ châu Âu để duy trì nguồn cung cấp điện, bởi việc đóng cửa các nhà máy điện than và điện hạt nhân đã gây áp lực lên lưới điện quốc gia. Theo dữ liệu do Cơ quan điều hành hệ thống năng lượng quốc gia (Neso) công bố, tổng lượng điện nhập khẩu ròng của Anh đạt kỷ lục mới 26,3 terawatt giờ trong thời gian từ tháng 1-9/2024.

9. Giá trị tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đạt mức tăng kỷ lục. Ngày 6/11, giá trị tài sản của nhóm tỷ phú này tăng 64 tỷ USD, ghi dấu mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ khi Chỉ số tỷ phú của Bloomberg bắt đầu được công bố vào năm 2012. Thị trường kỳ vọng rằng ông Donald Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với các chính sách "thân thiện" với doanh nghiệp.

10. “Kho tiền” của tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway đã vượt mốc 300 tỷ USD trong quý III/2024, khi tỷ phú Warren Buffett tiếp tục bán cổ phiếu và không mua lại. Lượng tiền mặt của Berkshire Hathaway đã tăng lên mức cao kỷ lục 325,2 tỷ USD vào cuối tháng 9/2024, so với mức 276,9 tỷ USD trong quý II/2024. Quan điểm thận trọng của tỷ phú Buffett được đưa ra khi thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong năm nay với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm".

Hương Giang (Tổng hợp)

Tin khác