'Vua đồi' ở Như Thanh
Nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Trọng Dung ở thôn Ao Mèo, xã Yên Lạc.
Từ tư duy dám thay đổi
Cùng vượt hàng chục cây số đường đồi núi quanh co, bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng mới nổi của huyện. Từ xa nhìn lên triền đồi thoai thoải là một màu xanh cây lá trải dài ngút ngàn. Từng hàng nhãn được trồng thẳng tắp gắn với hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động, những dãy sưa, khu vực trồng dong riềng... được bố trí theo quy hoạch. Từ hàng hoa trồng cảnh chạy dọc ngõ đồi đến từng luống rau thơm, cây ăn quả quanh nhà đều được cắt tỉa chăm bón, mang đậm dấu ấn của những bàn tay chuyên cần.
Dù đã ở tuổi 65, nhưng do duy trì nhịp lao động và lối sống khoa học nên ông Dung vẫn còn khá lực lưỡng và nhìn trẻ hơn so với tuổi thực. Đồng hành cùng với ông trong suốt hành trình cải tạo vườn đồi hàng chục năm qua là người vợ tảo tần - bà Lê Thị Oanh. Tiếp chúng tôi bằng sự hồ hởi và nhiệt tình, vợ chồng chủ vườn đồi cho thấy họ vẫn còn nguyên sự chất phác của những người nông dân thực thụ. Là những “ông, bà chủ” với gia sản nhiều tỷ đồng, nhưng hằng ngày họ vẫn mồ hôi ướt đẫm không ngừng lao động. Một sự cảm nhận khác là, tuy sống ở vùng miền núi khá xa trung tâm huyện, nhưng họ không hề lạc hậu mà thường xuyên tiếp nhận tri thức, cập nhật những kiến thức mới trong trồng trọt và chăn nuôi.
Nói về quá trình biến đất cằn thành vùng đồi cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm, ông Dung chia sẻ: “Với 12 ha đất đồi rừng, ban đầu cũng chỉ là đồi hoang, đất trống, cằn cỗi. Khoảng 5 năm trở về trước gia đình trồng keo là chính, những diện tích đất bằng phía dưới được trồng mía và dứa gai. Nhận thấy nhiều đất canh tác nhưng thu nhập không cao, tôi quyết tâm tìm hướng đổi mới. Sau khi ra tỉnh Hưng Yên tìm hiểu các mô hình trồng nhãn siêu ngọt, lại được tham quan một mô hình đi trước tại huyện Nông Cống, tôi đã mạnh dạn phá bỏ những cây truyền thống để thay bằng nhãn siêu ngọt Hưng Yên. Thấy khâu khó nhất là kỹ thuật nên tôi tìm ký hợp đồng với Công ty TNHH Giống cây trồng Minh Đức ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cung cấp cây giống, cử cán bộ kỹ thuật về phụ trách và chuyển giao nhiều tháng liền”.
Mạnh dạn chặt bỏ cây keo và nhiều cây truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, từ năm 2020 gia đình ông Dung đã dành 1,8 ha để hình thành vùng chuyên canh 1.500 gốc nhãn siêu ngọt. Với sự định hướng của chuyên gia đến từ tỉnh bạn, nhãn được trồng bài bản theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, có hệ thống tưới nhỏ giọt bằng hệ thống bơm đẩy lên tận đồi cao. Trên phía đỉnh đồi là những dãy cây sưa được trồng từ những năm trước, nay đã và đang đến kỳ thu hoạch. Quanh nhà là hệ thống chuồng trại, nhiều loại cây ăn quả như mít, hồng xiêm, dổi ăn hạt và ao thả cá...
... đến những “trái ngọt” vùng đồi
Dẫn chúng tôi tham quan vùng đồi trù phú, vợ chồng ông Dung không ngại chia sẻ từng kinh nghiệm tích lũy được. Tuy diện tích đất khá rộng, nhưng được gia chủ cải tạo và sử dụng hiệu quả từng khoảnh nhỏ. Phần đất thấp nhất giữa các triền đồi được gia đình đào ao thả cá, đồng thời dự trữ nước tưới phục vụ sản xuất quanh năm. Từng đàn ngỗng, đàn ngan cùng với hàng tấn cá mỗi lứa đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Những đàn gà đồi lớn nhỏ gối lứa hàng trăm con được nuôi thả bán hoang dã dưới tán rừng cây ăn quả nên chất lượng thịt tốt, được các thương lái đến tận nhà thu mua. Hệ thống chuồng nuôi khá sạch sẽ, được bố trí hợp lý ở các góc vườn. Một khu đất khác gần nhà ở được gia đình quây lưới thép để nuôi lợn lai rừng với nguồn thức ăn từ thân chuối và rau cỏ tự trồng.
Thời điểm chúng tôi có mặt, gia đình ông Dung mới bán 21 cây gỗ sưa trồng từ hơn chục năm trước với giá hơn 300 triệu đồng. 50 cây dổi lấy hạt quanh nhà cũng cho nguồn thu khoảng 320 triệu đồng từ bán hạt hàng năm. Những luống đất giữa các khu trồng cây ăn quả được trồng dược liệu như hoài sơn, sâm cau, cho thu hoạch hàng năm với tổng giá trị trên dưới 100 triệu đồng.
Sớm nhận thức được phát triển nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững, hiện toàn bộ phân bón cho cây trồng trong trang trại đồi rừng này được ông ủ ngô bột, đậu tương, các phụ phẩm nông nghiệp cùng phân chuồng từ hoạt động chăn nuôi.
Thời gian gần đây, ông bà Dung - Oanh đã chuyển giao nhiều diện tích đất đồi để những người con quản lý, nhưng vẫn giữ nguyên vườn nhãn, hoạt động chăn nuôi và nhiều cây trồng quanh nhà giá trị với tổng diện tích hơn 2 ha. Theo hạch toán của gia đình, chỉ tính riêng hơn 2 ha đất còn lại năm 2021 đã cho tổng thu nhập gần 1,8 tỷ đồng, trừ mọi chi phí vẫn cho lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng vườn nhãn, mang lại nguồn thu khoảng 600 triệu đồng/năm. Theo ông Dung, cây nhãn mới cho thu hoạch năm thứ 2 nên năng suất chưa cao, dự kiến năm thứ 3, thứ 4 sẽ cho thu hoạch trung bình khoảng 50 kg/gốc nên thu nhập sẽ tăng lên nhiều. Toàn bộ sản phẩm nhãn được phía công ty tại tỉnh Hưng Yên ký kết bao tiêu dài hạn nên không lo đầu ra. Đến nay có thể khẳng định, cây nhãn siêu ngọt Hưng Yên phù hợp với đất đồi và khí hậu nơi đây, gia đình cũng đã chiếm lĩnh và làm chủ được kỹ thuật canh tác cây trồng mới này.
Thời gian gần đây mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Trọng Dung được các chủ trang trại và nhiều đoàn khách đến tham quan. Một số hộ trong vùng cũng học tập, quyết định phá vườn tạp và rừng keo kém hiệu quả, du nhập kỹ thuật để trồng nhãn siêu ngọt kết hợp chăn nuôi. Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh Lê Thị Dung, trên địa bàn huyện có nhiều vườn đồi nhưng trang trại vườn đồi gia đình ông Dung có hướng đi rất hiệu quả, được đánh giá cao về tính bền vững. Vợ chồng ông cũng rất cần cù, liên tục cập nhật những kiến thức mới, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trang trại tổng hợp này cũng được chúng tôi lựa chọn giới thiệu để tham gia cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022”.
Bài và ảnh: Lê Đồng