VPBank rót thêm 6.080 tỷ đồng, ngôi vương vốn điều lệ ngành chứng khoán sắp về tay VPBankS?
"Ngôi vương" vốn điều lệ ngành chứng khoán sắp có chủ mới?
CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ ngày 24/10. Với sự nhất trí của cả 3 cổ đông, trong đó cổ đông ngân hàng mẹ VPBank sở hữu 99,92% vốn điều lệ, VPBankS thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, công ty chứng khoán này sẽ chào bán 608 triệu cổ phần với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Số tiền huy động vốn dự kiến là 6.080 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng từ quý IV/2022 hoặc quý I/2023, ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Như vậy, chỉ trong một năm, VPBankS từ mức vốn điều lệ vỏn vẹn 268 tỷ đồng dự kiến tăng lên tròn 15.000 tỷ đồng.
Sau đợt tăng vốn này, nhiều khả năng, VPBankS sẽ trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường Việt Nam, vượt qua SSI (14.911 tỷ đồng) hay VNDirect (12.178 tỷ đồng).
Dành hơn 1.800 tỷ đồng bổ sung vốn cho vay margin cùng hàng ngàn tỷ đồng tự doanh chứng khoán
Theo phương án đã được thông qua, VPBankS sẽ dành 30% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán; 60% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động tự doanh và 10% để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động hợp khác.
Như vậy, nguồn vốn cho hoạt động cấp margin của VPBankS sẽ tăng thêm hơn 1.800 tỷ đồng. Đến cuối quý III, dư nợ cho vay margin đã ở mức 3.592 tỷ đồng. VPBankS cũng là một trong các công ty chứng khoán tăng dư nợ margin nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2022 dù hoạt động môi giới còn rất khiêm tốn.
Giá trị khối lượng giao dịch của nhà đầu tư thực hiện qua VPBankS đạt 22.245 tỷ đồng, bao gồm 12.494 tỷ đồng là giao dịch cổ phiếu và 9.748 tỷ đồng là giao dịch trái phiếu. Trong khi đó, tại SSI, giá trị khối lượng giao dịch cổ phiếu trong kỳ là 180.926 tỷ đồng, trái phiếu là 1.318 tỷ đồng và chứng khoán khác là 198.246 tỷ đồng. Doanh thu mảng môi giới dù liên tục tăng nhưng mới đạt hơn 16 tỷ đồng trong quý III và vẫn đang phải kinh doanh dưới giá vốn.
Hoạt động tự doanh dự kiến được bổ sung thêm 3.648 tỷ đồng. Đây cũng là mảng kinh doanh mà VPBankS đang dành nhiều nguồn lực nhất. Đến ngày 30/9, tổng tài sản của VPBankS đạt 9.684 tỷ đồng. Giá trị danh mục đầu tư của VPBankS là hơn 5.557 tỷ đồng, bao gồm 5.332 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 225 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Bình quân cứ mỗi 100 đồng tài sản của công ty chứng khoán này, lại có 55 đồng đang đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết.
Hấp thụ một lượng vốn lớn trong thời gian ngắn cũng đặt ra bài toán đối với ban lãnh đạo của VPBankS. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VPBankS đạt 313 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) xấp xỉ 475 đồng, ngang bằng mức EPS đạt được trong 9 tháng đầu năm 2021 khi công ty chưa trở thành một đơn vị thành viên của VPBank.
Trong quý III, hai mảng kinh doanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của VPBankS là tự doanh và cho vay ký quỹ. Đây cũng là hai mảng kinh doanh mà công ty đang dành nhiều nguồn lực nhất để đầu tư. Lãi từ bán trái phiếu mang về gần 93 tỷ đồng trong quý III. Ngoài ra, cũng từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, VPBankS nhận về 75,5 tỷ đồng cổ tức và tiền lãi phát sinh. Hoạt động cấp margin cũng mang về tới 95 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
Việc giải ngân lượng vốn lớn vào công ty chứng khoán thực tế đã được ngân hàng mẹ VPBank đánh tiếng trước tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua phương án góp vốn vào công ty chứng khoán với tổng mức đầu tư tối đa 20.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là tốc độ tăng vốn thần tốc và gây bất ngờ với giới đầu tư.
Ngoài kế hoạch đầu tư vào công ty chứng khoán, VPBank cũng còn loạt kế hoạch đầu tư và huy động vốn khác như mua lại 100% vốn Bảo hiểm OPES; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Các kế hoạch trên đến thời điểm này chưa được hiện thực hóa. HĐQT VPBank đã thông qua việc chi 585 tỷ đồng để nâng sở hữu tại OPES từ 3 tháng trước nhưng tỷ lệ sở hữu tại đây đến cuối quý III vẫn là 11%.
Tại ngân hàng mẹ VPBank, kết quả kinh doanh mảng chứng khoán mang về khoản lãi chỉ đứng sau hoạt động ngân hàng, đóng góp 1,6% tổng lợi nhuận. Hoạt động quản lý nợ và khấu hao tài sản qua VPBank AMC mang về 2,7 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi đó, mảng hoạt động của công ty tài chính lỗ 253 tỷ đồng.
Tùng Linh