VN-Index nỗ lực 'tái chiếm', vượt mốc 1.000 điểm
Nhóm bluechip trong rổ VN30 với đóng góp lớn ở nhiều mã ngân hàng đã có "hỗ trợ" tích cực nhất đến VN-Index. Trong đó, TCB tăng 4,7% lên 22.400 đồng/cổ phiếu; STB +3,3% lên 15.500 đồng/cổ phiếu; CTG +3,1% lên 23.100 đồng/cổ phiếu; BID +3% lên 32.650 đồng/cổ phiếu. Các mã VCB, ACB, MBB nhích trên dưới 2%, và chỉ còn HDB, TPB, VIB đứng tham chiếu, trong khi VPB giảm nhẹ.
Chốt phiên sáng 27/10, sàn HoSE có 261 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index tăng 8,08 điểm (+0,81%), lên 1.001,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 256,4 triệu đơn vị, giá trị 4.142,8 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 39% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn hơn 19,5 triệu đơn vị, giá trị 376 tỷ đồng.
Ngoài ra, các mã chứng khoán như: VIX +6,2% lên 6.690 đồng/cổ phiếu; HCM +4,5% lên 18.450 đồng/cổ phiếu; APG +4,4% lên 3.800 đồng/cổ phiếu; VCI +3,7% lên 23.750 đồng/cổ phiếu; BSI +3,3%, SSI +2,7%, AGR +2,4% và VND +3,8% lên 11.050 đồng, dù có thời điểm tăng lên giá trần, khớp lệnh hơn 25,6 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.
Kết thúc phiên sáng 27/10, sàn HNX có 94 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 2,04 điểm (+0,99%), lên 207,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 311,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 8,5 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), từ đầu năm 2022 cho tới nay, VN-Index đã giảm khoảng hơn 35,8% từ mức 1.500 điểm xuống mức thấp nhất của ngày 25/10/2022 là 962 điểm. Gần đây, tính từ đầu tháng 9/2022 cho tới nay, VN-Index cũng đã giảm mạnh hơn 24% từ mốc 1.280 điểm xuống thấp nhất là quanh 962 điểm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết: Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nhóm nguyên nhân chính đáng chú ý.
Đầu tiên là nhóm nguyên nhân về kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra trên toàn cầu, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng Trung ương ở châu Âu. Việc tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát trên toàn cầu đã tạo áp lực lớn lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc phải điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, dự trữ ngoại hối giảm, cung tiền bị kiểm soát chặt…).
"Cùng với một số yếu tố khác như giá năng lượng, thiếu nguyên liệu đầu vào,… tôi cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng trực tiếp tới định giá trên TTCK. Dòng vốn có xu hướng rút ra tìm kênh trú ẩn an toàn hơn, khiến TTCK suy giảm cả về điểm số và thanh khoản", Phó Tổng Giám đốc CSI cho biết.
Cùng với đó, trên TTCK Việt Nam, thời gian qua, có nhiều vụ việc liên quan tới một số cá nhân, tổ chức trên thị trường bị cơ quan chức năng xử lý, từ đó tác động tiêu cực tới tâm lý của nhà đầu tư. Không chỉ dừng ở đó, nhiều tin đồn thiếu căn cứ xuất hiện liên quan tới một số doanh nghiệp lớn trên thị trường đã tác động tiêu cực tới hành động của nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có nhiều phiên nhà đầu tư phản ứng có phần thái quá, hành động bán tháo vì tin đồn thiếu căn cứ…
“Yếu tố niềm tin là rất quan trọng và biến động dòng tiền trong nền kinh tế sẽ mang tính quyết định tới sự hồi phục của TTCK Việt Nam trong giai đoạn sắp tới”, Phó Tổng giám đốc CSI cho biết.
Về yếu tố dòng tiền, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng: Khi nào thanh khoản hệ thống tài chính ổn định trở lại, căng thẳng giảm bớt, lãi suất liên ngân hàng dịu bớt và quá trình kiểm soát cung tiền của NHNN có tín hiệu nới lỏng hơn, thì thị trường sẽ tích cực trở lại. Để hút được vốn đầu tư dài hạn thì thời điểm là rất quan trọng, khi nào chính sách tiền tệ đạt tới hạn của việc thắt chặt và có tín hiệu nới lỏng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán. Việc tìm được vùng cân bằng mới được quyết định bởi yếu tố cung - cầu và chỉ số VN-Index giảm dưới 1.000 điểm cũng được coi là yếu tố thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành 1% bắt đầu từ ngày 25/10 là động thái mạnh tay theo sau quyết định tăng lãi suất 1% và mở rộng biên độ tỷ giá thêm 2% đã được thực hiện trước đó. Để hút được vốn đầu tư dài hạn, thời điểm là rất quan trọng. Khi nào chính sách tiền tệ đạt tới hạn của việc thắt chặt và có tín hiệu nới lỏng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán.
Điều này cho thấy NHNN chủ trương nâng cao vai trò của công cụ lãi suất để tác động tới tỷ giá theo hướng mong muốn hơn là tiếp tục sử dụng công cụ bán ngoại tệ để bình ổn như giai đoạn đầu năm 2022.
Việc tỷ giá VND/USD tăng cao là yếu tố khách quan đến từ việc FED liên tục tăng lãi suất USD trong năm 2022, khiến đồng USD tăng giá nhanh so với hầu hết các đồng tiền khác. Do vậy, việc NHNN Việt Nam thực hiện các biện pháp gần đây nhằm kiểm soát tỷ giá ở biên độ cho phép và không ảnh hưởng quá tiêu cực tới nền kinh tế.
Minh Phương/Báo Tin tức