Tỷ giá tăng gây áp lực cho doanh nghiệp
Cụ thể, sau những phiên tăng nóng, từ ngày 26/10, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ khoảng 10 - 15 đồng, xuống còn 24.848 đồng/USD. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng, xuống còn 23.698 đồng/USD khiến các ngân hàng thương mại phải giảm giá USD xuống. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng vẫn đẩy giá USD lên sát trần, đồng thời tăng giá mua USD thêm 10 đồng. Theo các chuyên gia, dù NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% nhưng sức nóng của tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt.
Và sức nóng này ngay lập tức đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá USD tăng khiến doanh thu xuất khẩu khi quy đổi sang đồng Việt Nam tăng, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
Cụ thể, những DN nhập khẩu phải mua USD giá cao dẫn đến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên, do vậy giá thành đầu ra sản phẩm sẽ tăng lên. Kể cả với nhiều DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các DN vay nợ nước ngoài.
Theo một số chuyên gia kinh tế, giá USD đi lên sẽ tác động đến tất cả DN nhập khẩu hàng hóa vì hầu như đa số đều ký hợp đồng thanh toán bằng USD. Đáng nói, chi phí tỷ giá tăng cao nhưng sức mua tại thị trường thế giới và trong nước cũng có dấu hiệu sụt giảm khi người dân thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, các công ty đang phải gánh chịu tình trạng lợi nhuận giảm sút.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, cho thấy trong tháng 9/2022, tình hình xuất khẩu của một số DN có khởi sắc hơn so với tháng trước do là tháng cuối quý nên nhiều DN tập trung xuất khẩu các đơn hàng trong quý đã ký kết từ trước đó. Tuy nhiên, biến động liên tục của tỷ giá gây ra nhiều khó khăn cho DN hơn. Bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho xuất khẩu là triển vọng không mấy sáng của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, một công ty trong khu công nghiệp đang làm các thủ tục để nhập khẩu máy móc với giá 300.000 USD. Thay vì dự toán bỏ ra dưới 7 tỉ đồng để nhập khẩu, thì khi USD tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra từ 7,3 - 7,5 tỉ đồng.
Tính đến nay, VND đã mất giá khoảng 3,6%. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất trong quý 4 và có thể duy trì đến đầu quý 2 năm sau thì áp lực với VND vẫn là khá lớn, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cần chuẩn bị phương án để ứng phó thích hợp.
Theo Bộ Công thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
T.H