1. Tài chính

TP.HCM thu hút hơn 4,78 tỷ USD từ dòng kiều hối

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4,78 tỷ USD, tăng 51% so với cuối tháng 6 năm nay và bằng 68% so với năm 2021. Kiều hối từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh lạm phát và suy giảm kinh tế tại một số khu vực và quốc gia trên thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng kiều hối chảy về địa bàn TP.HCM đạt hơn 4,78 tỷ USD, tăng 51% so với cuối tháng 6 năm nay và bằng 68% so với năm 2021.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trên thế giới và các diễn biến phức tạp về địa chính trị tại một số khu vực, việc kiều hối tiếp tục tăng trưởng dương qua từng quý, góp phần quan trọng không chỉ đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng trong nước.

NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, nguồn kiều hối cùng các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội thành phố. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngoại tệ, cũng như bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ.

“Đây là kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút các nguồn vốn ngoại tệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Nguồn vốn này cũng trở thành nguồn lực vàng cho tăng trưởng và phát triển, bởi bản chất và chi phí sử dụng của nguồn kiều hối, với lợi thế khác biệt so với các nguồn vốn khác”, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay.

Để có thể thu hút nhiều hơn kiều hối, tạo động lực cho đầu tư, phát triển mới trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng TP.HCM nói riêng và cả nước cần những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi sao cho mỗi đồng kiều hối được gửi về, có ý nghĩa tạo hiệu suất đầu tư, đóng góp cho tăng trưởng GRDP và GDP tối ưu nhất.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ, trung gian tiếp nhận chuyển, trả kiều hối đến người dân… hiện có thể thấy, các tổ chức lớn đặc biệt trong hệ thống ngân hàng, đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ.

Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có giá trị lớn kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam. Theo đó, cần có chính sách để khuyến khích các tổ chức đầu tư, kết nối công nghệ, dịch vụ, gia tăng giá trị, hiệu quả và bảo mật, an toàn, nhanh chóng, tạo cơ hội thu hút kiều hối.

T.H

Tin khác