Xã hội dân sự toàn cầu (Global civil society) là gì?
Mục Lục
Xã hội dân sự toàn cầu
Xã hội dân sự toàn cầu trong tiếng Anh là global civil society.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự liên kết kinh tế, chính trị, và những biểu hiện của thị trường trên qui mô toàn cầu, xã hội dân sự toàn cầu đã xuất hiện. Dấu hiệu của nó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức phi chính phủ, các phong trào dân sự, các mạng lưới liên kết vì những mục đích khác nhau trên qui mô toàn cầu.
Những tổ chức, nhóm và phong trào này hoạt động tích cực về chính trị, mang định hướng quốc tế với các mạng lưới quan hệ phát triển cao, có khả năng tập hợp các nguồn lực và sử dụng các công nghệ thông tin liên lạc hiện đại.
Tầm quan trọng của thành viên trong xã hội dân sự toàn cầu
Các thành viên của xã hội dân sự toàn cầu có vai trò ngày càng quan trọng thể hiện ở một số khía cạnh:
- Các thành viên hình thành nên các cộng đồng chính trị và duy trì sự đoàn kết với nhau;
- Nhiều tổ chức, phong trào thành viên hoạt động trên quy mô toàn cầu và không coi các đường biên giới quốc gia như những rào càn đối với các hoạt động chính trị hiệu quả;
- Họ không coi các nhà nước là chủ thể hợp pháp duy nhất trên vũ đài chính trị thế giới;
- Họ chủ yếu quan tâm tới các vấn đề chính trị vượt ra ngoài khuôn khổ các đường biên giới quốc gia;
- Họ thúc đẩy các quy chuẩn đạo đức toàn cầu mà họ muốn các nhà nước chấp nhận và áp dụng.
Có thể nói ở cấp độ nhà nước, các thành viên trong xã hội dân sự là một trong những nhân tố giúp giải quyết những vấn đề chung, cung cấp những dịch vụ công cộng, là một hình thức tổ chức quan trọng của xã hội, bên cạnh nhà nước và thị trường.
Một số nhà quan sát cho rằng xã hội dân sự toàn cầu là một phần của quá trình toàn cầu hóa và qua đó cung cấp những cách thức mới cho các cá nhân có thể thực hiện các hành động chính trị. Xã hội dân sự toàn cầu cùng các thành viên của mình cũng mang lại cho các nhóm thiểu số hoặc bên lề được cất lên tiếng nói của mình, giúp tạo ra những bản sắc chung, nâng cao mức độ nhận thức về các vấn đề toàn cầu và nuôi dưỡng những dạng thức mới của quản trị toàn cầu.
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)