Viện trợ nước ngoài (Foreign aid) là gì? Bản chất của viện trợ nước ngoài
Mục Lục
Viện trợ nước ngoài (Foreign aid)
Viện trợ nước ngoài trong tiếng Anh là Foreign aid. Viện trợ nước ngoài là các khoản ưu đãi tài chính, hàng hóa và dịch vụ được tài trợ dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển ở các quốc gia này, thường được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ kĩ thuật.
Cũng có thể hiểu, viện trợ nước ngoài là khoản tiền mà một quốc gia tự nguyện chuyển sang một quốc gia khác, có thể dưới dạng một món quà, một khoản trợ cấp hoặc một khoản vay. Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ này thường chỉ đề cập đến hỗ trợ quân sự và kinh tế mà Chính phủ liên bang cung cấp cho các Chính phủ khác. (Theo Investopedia, Foreign Aid)
Bản chất
Uỷ ban Hỗ trợ phát triển (Development Assistance Committee – DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra một định nghĩa chính xác hơn được sử dụng bởi câu lạc bộ các nhà tài trợ. Theo đó, viện trợ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đến từ các nguồn chính thức, không bao gồm các quĩ được huy động bởi các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức tình nguyện tư nhân, ngoại trừ những khoản viện trợ từ các nguồn chính thức nhưng được giải ngân thông qua các tổ chức phi Chính phủ.
- Được dành cho mục đích phát triển, vì vậy viện trợ không bao gồm viện trợ quân sự và các nguồn tài trợ phục vụ mục đích thương mại, ví dụ như tín dụng xuất khẩu.
- Có mức độ ưu đãi cao (viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% khoản viện trợ).
- Được giành cho một quốc gia thuộc Phần I trên "Danh sách các nước nhận viện trợ" của DAC, trong đó bao gồm tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Lưu ý:
- Các khoản tài chính quốc tế đáp ứng tất cả bốn điều kiện trên được gọi là Hỗ trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance).
- Những khoản đáp ứng tất cả các tiêu chí trừ điều kiện về mức độ ưu đãi được gọi là Tài chính Phát triển Chính thức (Official Development Finance).
Liên hệ thực tiễn
Viện trợ nước ngoài là một hiện tượng chủ yếu phát triển từ sau năm 1945, chủ yếu nhờ ba yếu tố. Cụ thể:
- Thứ nhất là thành công của Kế hoạch Marshall mà Mỹ viện trợ cho châu Âu.
- Thứ hai, làn sóng giành độc lập của các quốc gia ở châu Á vào cuối những năm 1940, châu Phi vào những năm 1960 đã tạo ra động lực mới cho viện trợ phát triển giành cho các nước này.
- Thứ ba chính là cuộc Chiến tranh Lạnh, khi mà các siêu cường sử dụng viện trợ như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng và giúp xác lập các chế độ thân thiện với mình.
(Tài liệu tham khảo: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp, Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế)