Việc làm bền vững (Decent work) là gì?
Mục Lục
Việc làm bền vững (Decent work)
Trong các tài liệu tiếng Việt thường dịch "Decent work" là việc làm bền vững, tuy nhiên có ý kiến cho rằng từ bền vững không thể bao hàm hết ý nghĩa của "decent".
Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng để thống nhất, thuật ngữ "Decent work" tạm dịch ra tiếng Việt là việc làm thỏa đáng hay việc làm bền vững.
Từ năm 1999, việc làm bền vững là một trong 04 mục tiêu cơ bản trong cải tổ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), theo đó, “việc làm bền vững là tạo cơ hội cho nam giới, nữ giới có được việc làm ổn định, năng suất, trong điều kiện tự do, bình đẳng và bảo đảm nhân phẩm”.
Việc làm bền vững bao gồm 06 vấn đề, bao gồm:
- Cơ hội có việc làm: Sự cần thiết phải bảo đảm khả năng có việc làm cho tất cả người lao động có nhu cầu làm việc.
- Người lao động được làm việc trong điều kiện tự do: Người lao động không bị ép buộc làm việc, nếu như họ không muốn.
- Việc làm có năng suất: Nhằm có được thu nhập, bảo đảm mức sống có thể chấp nhận được trong điều kiện cụ thể.
- Được bình đẳng trong công việc: Mọi người đều được đối xử như nhau trong công việc, không phân biệt màu da, sắc tộc, giới tính.
- An toàn tại nơi làm việc: Người lao động được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động…
- Được bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc: Người lao động được tôn trọng, được tham gia vào các quá trình ra quyết định liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động tại nơi làm việc.
Trong 06 vấn đề nêu trên của việc làm bền vững, 02 vấn đề đầu liên quan đến việc tạo ra việc làm cho người lao động; các vấn đề sau liên quan đến mức độ bền vững của công việc, chất lượng việc làm.
Năm 2007, ILO phát triển khái niệm việc làm bền vững gồm 04 vấn đề, là việc làm đầy đủ quyền con người với đúng trình độ cá nhân; việc làm với các điều kiện chấp nhận được, bình đẳng, có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kĩ năng cá nhân; việc làm có an sinh xã hội (ASXH), an toàn tại nơi làm việc hướng tới chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa rủi ro; việc làm có đối thoại xã hội thông qua tự do hiệp hội, tự do phát ngôn, được tham gia đối thoại cởi mở giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, được tham gia xây dựng các chính sách, chiến lược có liên quan.
Với các nội hàm này, khái niệm việc làm bền vững có tính khái quát hơn, bao gồm các khía cạnh khác nhau của người lao động, nhất là được bảo đảm về ASXH.
(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Bảo hiểm xã hội)