Văn hóa đô thị (Urban Culture) là gì? Quản lí văn hóa đô thị
Mục Lục
Văn hóa đô thị (Urban Culture)
Văn hóa đô thị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Urban Culture.
Văn hóa đô thị là văn hóa của các thành phố và các đô thị, là một hệ thống các giá trị, niềm tin, sự tự hào, hình ảnh, uy tín, phong cách trong cuộc sống và các thói quen truyền thống, qua đó tạo nên các chuẩn mực hành vi cho mỗi người dân. (Theo The Audiopedia)
Tại sao cần quản lí văn hóa đô thị?
Văn hóa đô thị được coi là môi trường tiềm ẩn trong quá trình phát triển đô thị, là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa. Hình thái kiến trúc, phong cách sinh hoạt, truyền thống, trình độ học vấn của cư dân... của mỗi địa phương là những yếu tố mà người quản lí phải tính đến để vận dụng các chính sách chung vào quản lí văn hóa đô thị.
Quản lí văn hóa đô thị là một bộ phận của quản lí xã hội đô thị nhằm coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới để tiến lên hiện đại trong quá trình phát triển đô thị.
Trong điều kiện kinh tế thị trường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ, yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ, sáng tạo và đổi mới. Sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, học tập tác phong làm việc, cách sinh hoạt của các nước phát triển là cần thiết song không vì thế mà làm mất đi những giá trị văn hóa của dân tộc. Phát triển kinh tế đô thị luôn gắn liền với các vấn đề phát triển văn hóa đô thị.
Việc tăng cường công tác quản lí văn hóa trong quá trình phát triển đô thị là cần thiết khách quan vì: nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân ngày càng cao, phương tiện thông tin đại chúng ngày càng hiện đại, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài đến Việt Nam ngày càng mạnh.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, văn hóa nước ngoài có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam. Sự khác nhau về văn hóa giữa các quốc gia chính là một trong những rào cản của sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, là nguyên nhân dẫn đến những thất bại trong hợp tác quan hệ.
Sự hội nhập toàn diện là điều cần thiết, tuy nhiên việc tiếp nhận văn hóa đô thị cần phải có sự chọn lọc phù hợp với từng đặc trưng của mỗi đô thị khác nhau. (Theo Giáo trình Quản lí đô thị, NXB Thống kê)