Vấn đề kinh tế cơ bản (Basic Economic Problems) là gì?
Mục Lục
Vấn đề kinh tế cơ bản (Basic Economic Problems)
Vấn đề kinh tế cơ bản trong tiếng Anh là Basic Economic Problems. Vấn đề kinh tế cơ bản mà mọi xã hội đều phải giải quyết đó là: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? và Sản xuất cho ai?.
Mọi xã hội đều phải đương đầu với ba vấn đề kinh tế cơ bản nêu trên để duy trì sự tồn tại và phát triển khi trạng thái khan hiếm được coi là phổ biến.
Nội dung
Vấn đề thứ nhất: "Sản xuất cái gì?"
Nội dung của vấn đề này bao gồm:
- Ở mỗi thời điểm xác định, xã hội nên sản xuất những hàng hóa hay dịch vụ nào? với các chủng loại cụ thể ra sao? Mỗi thứ hàng hóa hay dịch vụ cần được sản xuất với những khối lượng nào?
Do buộc phải đánh đổi hay lựa chọn nên người ta không thể không cân nhắc giữa việc nên sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm hơn để tiêu dùng hay để dành nguồn lực cho việc sản xuất vũ khí nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu về quốc phòng?
Nên tăng cường việc sản xuất những mặt hàng tiêu dùng cho nhu cầu hiện tại hay để dành nguồn lực cho việc xây dựng thêm các nhà máy, đường xá v.v… nhằm tăng cường năng lực sản xuất của xã hội?
- "Sản xuất cái gì?" sở dĩ được coi là một vấn đề kinh tế cơ bản vì các nguồn lực mang tính khan hiếm.
Nếu các nguồn lực là vô hạn, việc sản xuất quá nhiều lương thực do hậu quả của những quyết định ngẫu hứng, thiếu cân nhắc sẽ không buộc chúng ta phải trả giá gì.
Có thể một số lượng lương thực nào đó được sản xuất ra song không được sử dụng, song vì nguồn lực là vô hạn, chúng ta vẫn có thể sản xuất đủ các hàng hóa khác mà chúng ta mong muốn.
Việc sản xuất quá nhiều lương thực không buộc chúng ta phải từ bỏ các hàng hóa khác. Rõ ràng, trong trường hợp này, vấn đề lựa chọn để sản xuất hàng hóa nào không cần thiết phải đặt ra.
Vấn đề thứ hai: "Sản xuất như thế nào?"
Với danh mục và số lượng các hàng hóa được lựa chọn để sản xuất, xã hội cũng cần phải cân nhắc xem có thể sản xuất ra chúng bằng những cách thức sản xuất thích hợp nào?
Để tạo ra cùng một loại hàng hóa, người ta có thể sử dụng những hình thức và công nghệ sản xuất khác nhau.
Chẳng hạn, có thể sản xuất ra một sản lượng điện nhất định bằng cách xây dựng một nhà máy thủy điện lớn hay nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, đặt phân tán ở những vùng khác nhau. Cũng có thể làm ra điện từ các nhà máy nhiệt điện. Việc sản xuất điện thông qua xây dựng các nhà máy nhiệt điện lại có thể thực hiện trên cơ sở các phương án khác nhau, dựa trên các nguồn năng lượng khác nhau: than đá, dầu mỏ hay khí đốt tự nhiên…
Cuối cùng, việc cung cấp điện cho nền kinh tế có thể được thực hiện thông qua các công ty nhà nước song cũng có thể thực hiện thông qua các công ty tư nhân. Cần phải lựa chọn cách thức sản xuất như thế nào, với các kết hợp đầu vào ra sao, công nghệ gì? v.v… chính là vấn đề kinh tế cơ bản thứ hai mà xã hội phải giải quyết.
Nguồn gốc của vấn đề này cũng liên quan đến sự khan hiếm. Một khi nguồn lực không phải là vô hạn, việc lựa chọn cách thức sản xuất hợp lí là cần thiết, vì nếu không, người ta sẽ buộc phải trả giá.
Vấn đề thứ ba: "Sản xuất cho ai?"
Rốt cục những hàng hóa hay dịch vụ mà xã hội tạo ra được phân phối ra sao giữa những nhóm xã hội hay cá nhân khác nhau? Ai là những người được sử dụng, hưởng lợi từ những hàng hóa này?
Trong tổng sản lượng hàng hóa hay dịch vụ mà xã hội sản xuất ra, ai là người nên được hưởng phần nhiều hơn, còn ai buộc phải hưởng ít hơn?
Nên phân phối đồng đều các hàng hóa giữa các cá nhân hoặc nhóm xã hội hay chấp nhận sự chênh lệch giàu, nghèo? Sự chênh lệch trong phân phối này, nếu được phép tồn tại thì liệu nó có cần phải đặt trong một giới hạn nào đó không?
Nói tóm lại, phân phối những hàng hóa khan hiếm như thế nào cũng là một vấn đề kinh tế cơ bản mà mọi xã hội đều phải xử lí.
Khi không có tình trạng khan hiếm, người ta sẽ dễ dàng có được các hàng hóa mà họ mong muốn. Khi đó không cần phải lựa chọn cách thức phân phối: mọi người có thể sử dụng hàng hóa theo nhu cầu của mình.
Ngược lại, trong một thế giới còn sự khan hiếm, khi một người được nhiều hơn trong chiếc "bánh hàng hóa" mà xã hội tạo ra, cũng có nghĩa là ai đó phải nhận phần ít hơn. Các cách phân phối hàng hóa hay thu nhập khác nhau, chắc chắn sẽ đem lại hệ quả khác nhau.
Xã hội cần phải lựa chọn cách thức phân phối nào đó để có thể tạo ra những động lực cần thiết nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển không ngừng của mình.
Kết luận
"Sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai?" là những vấn đề kinh tế chung mà các xã hội khác nhau từ xưa đến này đều phải giải quyết. Tuy nhiên, trong các hệ thống kinh tế khác nhau, cách thức giải quyết các vấn đề này cũng khác nhau.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)