Văn bản qui phạm pháp luật (Legal normative documents) là gì? Các văn bản là nguồn của Luật Kinh tế
Mục Lục
Văn bản qui phạm pháp luật
Văn bản qui phạm pháp luật trong tiếng Anh được gọi là Legal normative documents.
Các văn bản qui phạm pháp luật là các văn bản chứa đựng qui phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác ban hành.
Nguồn của Luật Kinh tế bao gồm các văn bản qui phạm pháp luật chứa đựng các qui phạm pháp luật xác định địa vị pháp lí cho thương nhân, điều chỉnh các hoạt động kinh tế của thương nhân và giải quyết tranh chấp kinh tế giữa họ.
Trong đó
Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng giải quyết các vụ việc pháp lí trong thực tế.
Tiếp cận với ý nghĩa nguồn hình thức của pháp luật, nguồn của Luật Kinh tế bao gồm những phương thức tồn tại của các qui phạm pháp luật hay là nơi chứa đựng, nơi cung cấp các qui phạm pháp luật.
Tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lí xảy ra trong thực tế liên quan đến việc xác định qui chế thương nhân, điều chỉnh hoạt động kinh tế của các thương nhân, điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân và giải quyết tranh chấp thương mại giữa họ.
Nguồn chủ yếu của Luật Kinh tế bao gồm: Hiến pháp, các văn bản qui phạm pháp luật, tập quán thương mại và án lệ.
Nguồn của Luật Kinh tế
Các văn bản qui phạm pháp luật là nguồn chủ yếu của Luật Kinh tế gồm có:
- Luật Doanh nghiệp qui định về các loại hình doanh nghiệp, thành lập, tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và chủ sở hữu của doanh nghiệp...
- Luật Đầu tư qui định về các hình thức và thủ tục đầu tư, ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, biện pháp đảm bảo, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư...
- Luật Phá sản qui định điều kiện và thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thủ tục phục hồi và thanh toán nợ trong điều kiện doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
- Luật thương mại điều chỉnh các hoạt động thương mại của thương nhân và các hình thức trách nhiệm pháp lí áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hợp đồng thương mại;
- Luật Trọng tài thương mại qui định thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.
- Bộ luật Tố tụng dân sự qui định thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại, dân sự bằng Tòa án.
- Bộ luật Dân sự qui định chủ thể của các quan hệ dân sự, qui định về sở hữu, về nghĩa vụ và hợp đồng... làm nền tảng cho các hoạt động thương mại.
- Các pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán...
(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh tế, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)