Tư bản giả (Fictitious Capital) là gì? Vì sao các chứng khoán có giá lại gọi là tư bản giả?
Mục Lục
Tư bản giả (Fictitious Capital)
Tư bản giả trong tiếng Anh là Fictitious Capital.
Tư bản giả là tư bản tồn tại dưới hình thức các chứng khoán có giá và mang lại thu nhập cho người sở hữu các chứng khoán đó.
- Tư bản giả bao gồm hai loại chủ yếu: cổ phiếu và trái phiếu.
Cổ phiếu là một thứ chứng khoán có giá do công ty cổ phần phát hành ghi nhận quyền sở hữu cổ phần của người mua cổ phiếu.
Trái phiếu cũng có hai loại:
+ Loại do các doanh nghiệp phát hành dược gọi là trái phiếu công ty hay trái phiếu doanh nghiệp với tư cách là những chứng khoán có giá chứng nhận khoản tiền vay nợ của doanh nghiệp đối với người mua trái phiếu.
Người nua trái phiếu không phải là cổ đông của doanh nghiệp mà chỉ đơn thuần là người cho doanh nghiệp vay vốn với giá trị tương ứng với mệnh giá trái phiếu. Khi hết hạn, người sở hữu trái phiếu có quyền được hoàn trả số tiền đã mua trái phiếu theo mệnh giá kèm theo khoản lợi tức gọi à lợi tức trái phiếu.
+ Loại do chính phủ hay nhà nước phát hành được gọi là trái phiếu chinh phủ. Công trái về bản chất cũng là một loại trái phiếu chính phủ. Về cơ bản, trái phiếu chính phủ cũng giống như trái phiếu doanh nghiệp.
Sự khác nhau tập trung ở chỗ: chủ nợ của trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp, còn chủ nợ của trái phiếu chính phủ (hay công trái) chính là nhà nước.
Vì sao các chứng khoán có giá lại gọi là tư bản giả?
- Thứ nhất, bởi tự bản thân các chứng khoán không có giá trị, giá trị danh nghĩa ghi trên tờ chứng khoán chỉ là bản sao, là sự ghi chép lại tư bản thật đã đầu tư vào sản xuất. Tư bản thật được đầu tư vào sản xuất tồn tại dưới hình thức nhà xưởng, máy móc, thiết bị….
Sự vận động của tư bản thật gắn liền với sự vận động của sản xuất, còn các chứng khoán tồn tại bên ngoài sản xuất, không tham gia vào quá trình sản xuất, chỉ là tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền được hưởng thu nhập sau một thời gian nhất định.
- Thứ hai, sự vận động của tư bản giả hoàn toàn tách rời sự vận động của tư bản thật. Ngay cả khi tư bản thực tế đã sử dụng hết, không còn tồn tại thì tư bản giả vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục lưu thông như trường hợp công trái.
- Thứ ba, tư bản giả không những khác tư bản thật về chất, mà còn khác tư bản thật về lượng. Ban đầu giá trị danh nghĩa của các chứng khoán phản ánh giá trị của những tư bản thực tế đầu tư.
Nhưng trên thị trường, giá cả của những chứng khoán đó không phải là giá trị danh nghĩa, mà là thị giá chứng khoán. Thực tế, tổng giá cả của các chứag khoán lớn hơn nhiều lần tổng tư bản thực tế đã đầu tư.
- Thứ tư, tính chất giả dối của tư bản giả bộc lộ rõ trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khi các sở giao dịch chứng khoán sụp đổ, các cổ phiếu và trái phiếu bị mất giá nghiêm trọng, mặc dù trong nhiều trường hợp, của cải thực tế của xã hội không hề giảm sút.
Đặc điểm của tư bản giả
Một là, có thể mang lại thu nhập cho người sở hữu nó.
Hai là, có thể mua bán được.
Ba là, vì là tư bản giả nên sự tăng hay giảm giá mua bán của nó trên thi trường không cần có sự thay đổi tương ứng của tư bản thật.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác – Lenin – NXB Chính trị Quốc gia)