Trung tâm trách nhiệm (Responsibility center) là gì? Phân loại
Mục Lục
Trung tâm trách nhiệm
Trung tâm trách nhiệm trong tiếng Anh được gọi là responsibility center.
Trung tâm trách nhiệm là các trung tâm có một số quyền tự chủ trong việc sử dụng nguồn lực được cấp nhằm đạt được một mục đích cụ thể, đó chính là những bộ phận cơ sở của kế toán quản trị và kiểm soát xử lí.
Trung tâm trách nhiệm là một bộ phận (phân xưởng, dây chuyền sản xuất; một phòng, ban; một công ty hoặc toàn bộ công ty) trong một tổ chức mà người quản lí của bộ phận đó có quyền điều hành và có trách nhiệm đối với số chi phí, thu nhập phát sinh hoặc số vốn đầu tư sử dụng vào hoạt động kinh doanh.
(Theo điểm 5 phần I – Qui định chung – Thông tư 53/2006/TT-BTC)
Trong khái niệm này chúng ta cần lưu ý:
- Trung tâm trách nhiệm có một số quyền tự chủ
- Sử dụng nguồn lực được cấp
- Có mục đích cụ thể
Nói cách khác đây chính là các bộ phận tiêu dùng nguồn lực ví dụ như trong hoạt động may mặc có các trung tâm trách nhiệm là bộ phận cắt may, bộ phận vắt sổ, bộ phận may, bộ phận thùa khuy, khuyết....
Phân loại
Có 4 loại trung tâm trách nhiệm, đó là:
- Trung tâm chi phí: Là một đơn vị/bộ phận của tổ chức trong đó nhà quản lí chỉ có quyền điều khiển, kiểm soát sự phát sinh của chi phí (ví dụ: một phân xưởng sản xuất trong một công ty là một trung tâm chi phí).
- Trung tâm doanh thu: Là một đơn vị/bộ phận của tổ chức trong đó nhà quản lí chỉ có chịu trách nhiệm về doanh thu phát sinh (ví dụ: Bộ phận bán hàng của một công ty là một trung tâm doanh thu).
- Trung tâm lợi nhuận (trung tâm kinh doanh): Là một đơn vị/bộ phận của tổ chức trong đó nhà quản lí chịu trách nhiệm về cả doanh thu và chi phí (ví dụ: một nhà hàng của một khách sạn là một trung tâm lợi nhuận).
- Trung tâm đầu tư: Là một đơn vị/bộ phận của tổ chức trong đó nhà quản lí chỉ có chịu trách nhiệm về lợi nhuận và vốn đầu tư sử dụng bởi đơn vị/bộ phận đó (ví dụ: Khu vực kinh doanh của một tổng công ty/tập đoàn).
Các trung tâm mà tại đó tiến hành thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhưng không có quyền tự chủ sử dụng các nguồn lực như các trung tâm trách nhiệm gọi là trung tâm thực hiện.
Một trung tâm trách nhiệm có thể bao gồm một số trung tâm thực hiện, nhưng không có điều ngược lại.
Ví dụ, bộ phận mua hàng và cung ứng là trung tâm trách nhiệm, trong bộ phận này, phòng mua hàng là trung tâm trách nhiệm, bộ phận quản lí việc đặt hàng là trung tâm thực hiện.
(Tài liệu tham khảo: Kế toán Quản trị, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)