Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) là gì?
Mục Lục
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong tiếng Anh được gọi là corporate social responsibility - CSR.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của công ty đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng... theo cách có lợi cho cả công ty cũng như phát triển chung của xã hội.
(Định nghĩa của Hội đồng kinh doanh thế giới về Phát triển bền vững – World Business Council for Sustainable Development)
Trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp phải thực hiện đối với xã hội nói chung.
Có trách nhiệm với xã hội là tăng đến mức tối đa các tác dụng tích cực và giảm tới tối thiểu các hậu quả tiêu cực đối với xã hội.
Các nội dung của trách nhiệm xã hội
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được phân loại như sau:
- Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng
- Trách nhiệm về bảo vệ môi trường, hoặc ít nhất không vì lí do kinh tế mà gây hại đến môi sinh
- Trách nhiệm với người lao động, ít nhất là đối với các công nhân viên trong hãng xưởng của mình (lương bổng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ...)
- Ngoài ra, doanh nghiệp còn nên có trách nhiệm chung với cộng đồng. Gần nhất là địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động.
Ví dụ một số chứng chỉ quốc tế
- SA 8000: Tiêu chuẩn về lao động trong các nhà máy sản xuất
- WRAP: Trách nhiệm toàn cầu trong ngành sản xuất may mặc
- ISO 9001: Hệ thống quản lí chất lượng
- ISO 14001: Hệ thống quản lí môi trường trong doanh nghiệp
Bộ qui tắc ứng xử
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động chủ yếu thông qua các Bộ Qui tắc ứng xử.
Các bộ Qui tắc ứng xử qui định về xã hội, môi trường và đạo đức giúp các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn luật pháp quốc gia và đối với các nhà cung ứng (bên bán) phải được giám sát việc thực hiện cũng như kiểm tra độc lập thường xuyên.
Các khía cạnh của trách nhiệm xã hội
- Khía cạnh kinh tế
+ Đối với Nhà nước: doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp thuế...
+ Đối với người tiêu dùng: tìm kiếm và đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu cần thiết trong xã hội, đảm bảo thỏa mãn người tiêu dùng về mọi mặt khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
+ Đối với người lao động: tạo công ăn việc làm với mức thù lao xứng đáng cơ hội việc làm nhưnhau, cơ hội phát triển nghề và chuyên môn, hưởng thù lao tương xứng, hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.
+ Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp: bảo tồn và phát triển các giá trị và tài sản được uỷ thác.
+ Đối với các bên liên đới khác: mang lại lợi ích tối đa và công bằng cho họ.
- Khía cạnh pháp lí
Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những qui định về pháp lí chính thức đối với các bên hữu quan. Bao gồm năm khía cạnh:
+ Điều tiết cạnh tranh
+ Bảo vệ người tiêu dùng
+ Bảo vệ môi trường
+ An toàn và bình đẳng
+ Khuyến khích phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái
- Khía cạnh đạo đức
Trách nhiệm xã hội là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp nhưng không được qui định trong hệ thống luật pháp, không được thể chế hóa thành luật, vượt qua cả những yêu cầu pháp lí khắc nghiệt.
Khía cạnh đạo đức của một doanh nghiệp thường được thể hiện thông qua những nguyên tắc, giá trị đạo đức được tôn trọng trình bày trong bản sứ mệnh và chiến lược của công ty.
Thông qua các công bố này, nguyên tắc và giá trị đạo đức trở thành kim chỉ nam cho sự phối hợp hành động của mỗi thành viên trong công ty và với các bên hữu quan.
- Khía cạnh nhân văn (lòng bác ái)
Khía cạnh nhân văn trong trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là những hành vi và hoạt động thể hiện những mong muốn đóng góp và hiến dâng cho cộng đồng và xã hội.
Những đóng góp có thể trên bốn phương diện:
+ Nâng cao chất lượng cuộc sống
+ San sẻ bớt gánh nặng cho chính phủ
+ Nâng cao năng lực lãnh đạo cho nhân viên
+ Phát triển nhân cách đạo đức của người lao động
Đây là thứ trách nhiệm được điều chỉnh bởi lương tâm.
(Tài liệu tham khảo: Đạo đức kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân)