Tổng cục Hải quan (General Department of Customs) là gì? Nhiệm vụ
Mục Lục
Tổng cục Hải quan
Tổng cục Hải quan trong tiếng Anh được gọi là General Department of Customs.
Tổng cục Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lí Nhà nước chuyên ngành về hải quan; thực thi pháp luật hải quan trong phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ
Tổng cục Hải quan có các nhiệm vụ sau đây:
- Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá và phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh.
- Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
- Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất thành hệ thống từ trung ương đến địa phương, với cơ cấu tổ chức như sau:
- Tổng cục Hải quan.
- Các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các Cục hải quan địa phương) trực thuộc Tổng cục Hải quan.
- Các chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương trực thuộc Cục Hải quan địa phương.
Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lí dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lí rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.
Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị kĩ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuyên ngôn
Quản lí có hiệu quả các hoạt động xuất nhập khẩu và giao lưu quốc tế, tạo điều kiện cho thương mại và sản xuất phát triển.
Bảo vệ và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Góp phần bảo vệ chủ quyền kinh tế, an ninh quốc gia và an toàn xã hội.
Phục vụ quản lí kinh tế xã hội
(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi. Trang thông tin điện tử Hải Quan Việt Nam)