Tổn thất toàn bộ ước tính (Constructive Total Loss) trong vận tải quốc tế là gì?
Mục Lục
Tổn thất toàn bộ ước tính (Constructive Total Loss)
Tổn thất toàn bộ ước tính – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Constructive Total Loss.
Tổn thất toàn bộ ước tính là những rủi ro dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng đại bộ phận và đối với phần hàng hóa còn lại, muốn cứu vớt chủ hàng phải chi ra một số chi phí bao gồm cả chi phí cứu hàng và chi phí thuê tàu đưa hàng về cảng đích mà người chủ hàng có thể tạm ước tính, nếu cộng chung với số hàng bị hư hỏng thực tế, nó không tránh khỏi tổn thất toàn bộ. (Theo Investopedia)
Nội dung tổn thất toàn bộ ước tính
Trước khi tiến hành cứu vớt hàng, chủ hàng phải dự kiến được tình hình thực tế đang xảy ra cho hàng hóa. Nếu xét thấy giá trị toàn bộ hàng hóa cộng với chi phí phát sinh xấp xỉ bằng giá trị bảo hiểm hoặc có khả năng vượt quá giá trị bảo hiểm thì phải báo ngay cho người bảo hiểm, để yêu cầu người bảo hiểm bồi thường tổn thất toàn bộ ước tính.
Cần chú ý là rủi ro này cần phải là rủi ro làm hư hỏng hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển, hàng hóa còn đang trên đường đi chứ không phải đã về đến cảng đích. Vì nếu hàng hóa đã về đến cảng đích, có nghĩa là người được bảo hiểm không khai báo từ bỏ hàng thì tổn thất chỉ được coi là tổn thất bộ phận, do đó tổn thất xảy ra bao nhiêu bảo hiểm chỉ bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên trong thực tế nếu tổn thất quá trầm trọng thì bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ.
Sau khi người được bảo hiểm làm văn bản từ bỏ hàng hóa và gửi cho người bảo hiểm tình hình tổn thất hàng hóa. Nếu người bảo hiểm xét thấy hàng hóa bị tổn thất không nghiêm trọng lắm và có khả năng về đến cảng đích mà chi phí không vượt quá giá trị bảo hiểm thì người bảo hiểm sẽ từ chối việc từ bỏ này, trong trường hợp này tổn thất chỉ được xem là tổn thất bộ phận.
Nhưng nếu người bảo hiểm xét thấy hàng hóa bị tổn thất nghiêm trọng, công ty bảo hiểm có thể sẽ cử người đến nơi xảy ra sự cố hay ủy thác cho đại lí bảo hiểm. Nếu chi phí cho việc đi lại này cộng với chi phí hàng bị tổn thất vượt quá số tiền bảo hiểm thì công ty bảo hiểm chấp nhận sự từ bỏ hàng. Mọi sự im lặng của người bảo hiểm không có nghĩa là bảo hiểm khước từ cũng như chấp nhận.
Do đó trong mọi trường hợp chủ hàng không nhận được ý kiến của người bảo hiểm thì chủ hàng phải trở về với nghĩa vụ đối với hàng tổn thất. Có nghĩa là phải tiến hành những công tác đề phòng hạn chế tổn thất với các chi phí dự kiến như đã định. (Theo Giáo trình Vận tải quốc tế và Bảo hiểm vận tải quốc tế, NXB Văn hóa Sài Gòn)