Tổ chức tín dụng hợp tác (Cooperative Credit Institutions) là gì?
Mục Lục
Tổ chức tín dụng hợp tác (Cooperative Credit Institutions)
Tổ chức tín dụng hợp tác trong tiếng Anh gọi là Cooperative Credit Institutions.
Tổ chức tín dụng hợp tác là tổ chức tín dụng thuộc sở hữu tập thể hoặc cổ phần, được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện bằng vốn góp của các thành viên và chủ yếu cho các thành viên vay nhằm mục tiêu tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Việc hình thành tổ chức tín dụng hợp tác là xu thế tất yếu trong nền kinh tế hàng hóa có cạnh tranh.
Nó giúp cho các chủ thể kinh tế yếu về khả năng cạnh tranh cũng như quyền lực chi phối thị trường và khả năng xâm nhập vào thị trường vốn (như các lực lượng sản xuất cá thể, tư nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ) có khả năng ổn định và phát triển nhờ sự hợp tác và tương trợ về vốn cũng như các điều kiện tài chính khác.
Đặc điểm
Các tổ chức tín dụng hợp tác được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng nước. Nó có thể là ngân hàng quốc gia, ngân hàng tương hỗ, ngân hàng nhân dân, hợp tác xã tín dụng, quĩ tín dụng, trung tâm quốc gia về quĩ tiết kiệm và tương hỗ, công ty dịch vụ tài chính chuyên ngành...
Về tổ chức hệ thống: Hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác thường được chia thành 3 cấp: Cấp cơ sở, khu vực và cấp trung lượng, độc lập với nhau về tổ chức, hoạt động và tài chính.
Tuy nhiên tổ chức tín dụng hợp tác khu vực có những hạn chế và trùng lắp nên xu hướng chung là biến thành chi nhánh của tổ chức tín dụng hợp tác trung ương (điển hình là ở Đức). Mặc dù vậy giữa các cấp này có mối liên hệ tự nguyện với nhau thông qua sự tương hỗ về vốn.
Nguồn vốn: Các tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động trên cơ sở các nguồn vốn sau:
Vốn điều lệ: Là vốn góp của các thành viên, tối thiểu bằng mức vốn pháp định được qui định bởi các chủ thể điều tiết.
Vốn điều lệ bao gồm: Vốn xác lập là vốn góp để xác lập tư cách thành viên. Mức đóng góp này do đại hội thành viên quyết định và như nhau cho các thành viên.
Vốn thường xuyên: Là vốn góp của các thành viên để kinh doanh tiền tệ, tín dụng theo hình thức phát hành cổ phiếu. Mức lãi sẽ được chia căn cứ vào số lượng vốn góp. Cổ phiếu có thể được chuyển nhượng, thừa kế theo luật công ty.
Vốn huy động: Các tổ chức tín dụng hợp tác có thể huy động vốn dưới hình thức tiền gửi không kì hạn, có kì hạn hoặc tiền gửi tiết kiệm, theo các nguyên tắc huy động của ngân hàng thương mại. Tức là phải có mức lãi suất hấp dẫn, có các hình thức huy động vốn phong phú và phải tạo lập lòng tin đối với người gửi tiền.
Vốn đi vay: Vay trong hệ thống qua các tổ chức tín dụng hợp tác cơ sở hoặc trung ương.
Vay từ các tổ chức tín dụng khác
Vay Ngân hàng Trung ương
Sử dụng vốn
Cho vay: Thực hiện cho vay đối với các thành viên có nhu cầu, bao gồm cả cho vay ngắn hạn và cho vay dài hạn phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng.
Các dịch vụ khác
- Kinh doanh vàng bạc, cầm đồ
- Làm dịch vụ thực hiện vốn ủy thác của các tổ chức tài chỉnh, tỉn dụng khác
- Làm dịch vụ thanh toán (séc, thẻ rút tiền tự động...)
- Giao dịch và bảo hiểm chứng khoán
- Tư vấn tài chính...
Các tổ chức tín dụng hợp tác thực chất làm các nghiệp vụ như một ngân hàng và theo xu hướng một ngân hàng thương mại đa năng.
Tuy nhiên mức độ thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng khác nhau tùy loại hình tổ chức tín dụng hợp tác. Theo tinh thần Luật Các tổ chức tín dụng của Việt Nam, tổ chức tín dụng hợp tác bao gồm: Ngân hàng hợp tác, quĩ tín dụng nhân dân và Hợp tác xã tín dụng. Mỗi loại hình có đặc thù riêng về tổ chức và hoạt động.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)