Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) là tổ chức nào?
Mục Lục
Tổ chức Năng suất Châu Á
Tổ chức Năng suất Châu Á trong tiếng Anh gọi là: Asian Productivity Organization - APO.
Tổ chức Năng suất Châu Á là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế duy nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương về nâng cao năng suất.
APO được thành lập vào ngày 11/05/1961 như là một tổ chức liên chính phủ trong khu vực và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực Châu Á Thái Bình Dương thông qua nâng cao năng suất.
Định hướng chiến lược
03 định hướng chiến lược chính của APO là:
1) Tăng cường năng lực của các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO (National Productivity Organization - NPOs) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng;
2) Xúc tác cho sự dẫn đầu trong đổi mới tăng trưởng năng suất;
3) Thúc đẩy năng suất xanh.
Với lộ trình đến năm 2020 của APO đã được phê duyệt, APO sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu chính:
1) Tăng năng suất của các nền kinh tế thành viên;
2) Tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế thành viên;
3) APO được công nhận là tổ chức quốc tế dẫn đầu trong lĩnh vực năng suất.
Hoạt động chính
Các hoạt động chính của APO là xây dựng năng lực của các tổ chức và phát triển nguồn nhân lực. Tầm nhìn của APO đến năm 2020, trở thành tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nâng cao năng suất, làm cho nền kinh tế APO trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn.
APO có 20 nền kinh tế thành viên là: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên APO từ ngày 01/01/1996 dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO với đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.
(Tài liệu tham khảo: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)