Tinh thần động vật (Animal spirits) trong đầu tư là gì? Nội dung về tinh thần động vật
Mục Lục
Tinh thần động vật
Tinh thần động vật trong tiếng Anh là Animal spirits.
Tinh thần động vật là một cách lí giải về đầu tư cho rằng không thể sử dụng mô hình toán để xác định đầu tư, mà phải phân tích đầu tư trên cơ sở nhận biết bản năng hay tính khí của nhà kinh doanh, tức phản ứng tự nhiên của họ.
Chính bản năng của các nhà kinh doanh tạo ra làn sóng lạc quan và bi quan trong nền kinh tế. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes là người đầu tiên sử dụng khái niệm này trong cuốn Lí thuyết Tổng quát về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ, nhưng Joan Robinson mới là người truyền bá nó.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Nội dung về tinh thần động vật
Khác với lí thuyết bàn tay vô hình của Adam Smiths cho rằng nền kinh tế vận hành dựa trên nguyên tắc cơ bản: con người hành động và đưa ra các quyết định một cách lí trí để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất;
Keynes cho rằng hầu hết hoạt động kinh tế đều là thành quả của các động cơ lí trí về kinh tế, nhưng đồng thời cũng bị điều khiển bởi tinh thần động vật (animal spirits). Trong con người tồn tại những động cơ phi kinh tế. Trong quan điểm của Keynes, tinh thần động vật là lí do chính của những biến động kinh tế thường thấy.
Ví dụ cuộc Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007 - 2009 là cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực tài chính (tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán). Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp và bản thân nó lại là nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.
Thị trường năm 2008 tràn ngập các sản phẩm tài chính mới, ban đầu được giả định là một kết quả tích cực cho đến khi các công cụ tài chính được tìm thấy là lừa đảo và gian lận. Tại thời điểm đó, niềm tin nhà đầu tư sụt giảm, dẫn đến một cuộc bán tháo khiến thị trường giảm mạnh.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh vai trò của tinh thần động vật trong các thị trường tài chính. Nếu tinh thần thấp thì mức độ tin cậy sẽ thấp, điều này sẽ kéo thị trường đi xuống ngay cả khi nền tảng của nền kinh tế vẫn mạnh và ngược lại.
Học thuyết này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh các cuộc suy thoái kinh tế ngày nay. Trên hết, các nhà hoạch định chính sách cần phải biết làm những gì. Và học thuyết này cũng rất cần thiết cho những người đã có những trực giác đúng đắn, chẳng hạn như Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang, Ben Bernanke.
Chỉ khi nhận thức rõ ràng những gì mà học thuyết này cung cấp thì họ mới có đủ sự tự tin cũng như trí tuệ đúng đắn để theo đuổi khát vọng của mình về những biện pháp thực sự cứng rắn cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Tinh thần động vật (Animal spirits), George A. Akerlof và Robert J. Shiller, NXB Thời Đại)