Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn (Current ratios) là gì? Công thức tính
Mục Lục
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn hay hệ số khả năng thanh toán hiện thời trong tiếng Anh gọi là: Current ratios.
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn cho biết doanh nghiệp có bao nhiêu đồng tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn để đảm bảo cho một đồng nợ ngắn hạn.
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn càng cao thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp càng được tin tưởng và ngược lại tỉ lệ thanh toán càng thấp thì khả năng thanh toán khó mà tin tưởng được.
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn thông thường được chấp nhận xấp xỉ là 2,0.
Công thức tính
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn = Tài sản lưu động & đầu tư ngắn hạn/ Nợ phải trả ngắn hạn
Khảo sát tỉ lệ thanh toán ngắn hạn của công ty cổ phần ABC.
Chỉ tiêu | Năm X1 | Năm X0 | Chênh lệch |
Tài sản lưu động (triệu) | 4.200 | 5.000 | -800 |
Nợ ngắn hạn (triệu) | 1.898 | 2.219 | -321 |
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn | 2,21 | 2,25 | -0,04 |
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn năm X1 là 2,21 cao hơn mức bình quân thông thường. Điều này chỉ ra khả năng thanh toán của công ty trong năm X1 đáng tin cậy. Tuy nhiên đây cũng là tỉ lệ thanh toán cao vì vậy công ty dễ bị ứ động vốn và bị chiếm dụng vốn.
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn có xu hướng giảm. Đây là điều hợp lí bởi lẽ nó phù hợp với giải pháp vừa đảm bảo khả năng thanh toán vừa phù hợp với việc hạn chế khả năng bị chiếm dụng vốn.
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn thường được các nhà phân tích khảo sát để phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Các tỉ lệ thanh toán cung cấp cho người phân tích về khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở một thời kì, đồng thời khi xem xét các tỉ lệ thanh toán cũng giúp cho người phân tích nhận thức được quá khứ và chiều hướng trong khả năng thanh toán doanh nghiệp.
Giải thích thuật ngữ liên quan:
Tài sản lưu động là những tư liệu lao động có giá trị nhỏ, thời gian sử dụng ngắn (dưới 1 năm) và là đối tượng lao động. (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính; Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)
Các loại tài sản lưu động (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính; Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)
Tài sản lưu động thường được chia làm hai bộ phận: tài sản lưu động sản xuất và tài sản lưu động lưu thông.
+ Tài sản lưu động sản xuất bao gồm các loại như nguyên liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế đang trong quá trình dự trữ sản xuất và các loại sản phẩm dở dang, bán thành phẩm đang trong quá trình sản xuất.
+ Tài sản lưu động lưu thông bao gồm các loại tài sản đang nằm trong quá trình lưu thông như thành phẩm trong kho đang chờ tiêu thụ, các khoản phải thu, vốn bằng tiền.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính Doanh nghiệp, Nguyễn Văn Sang, Trường Đại học Đông Đô)