Tỉ giá hối đoái thực tế (Real exchange rate - RER) là gì? Công thức
Mục Lục
Tỉ giá hối đoái thực tế
Tỉ giá hối đoái thực tế trong tiếng Anh được gọi là real exchange rate, viết tắt là RER.
Trong các phân tích kinh tế, một điều quan trọng chúng ta rất muốn biết là sự thay đổi của sức cạnh tranh về giá cả giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỉ giá danh nghĩa, chúng ta không thể biết được sự thay đổi của sức cạnh tranh về giá cả của hàng hóa trong nước so với các hàng hóa khác bởi vì chúng ta không biết được diễn biến giá cả hàng hóa ở hai quốc gia thay đổi như thế nào.
Chính vì vậy, các nhà kinh tế đã tính toán thêm một chỉ tiêu nữa là tỉ giá thực tế để phản ánh sức cạnh tranh.
Tỉ giá thực tế cho biết tỉ lệ giá cả hàng hóa ở hai quốc gia khi tính theo cùng một đơn vị tiền tệ, hay nói cách khác là tỉ lệ trao đổi hàng hóa hai quốc gia.
Giả sử hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ chỉ sản xuất duy nhất một hàng hóa là áo sơ mi, trong đó giá áo sơ mi của Việt Nam là 300 nghìn VND còn giá áo sơ mi của Mỹ là 30 USD, tỉ giá danh nghĩa giữa hai đồng tiền là 20.000 VND/USD, giả định mọi yếu tố khác là như nhau.
Khi đó, giá áo Mỹ tính theo VND sẽ là 600 nghìn và đắt gấp hai lần so với giá áo Việt Nam. Tỉ giá thực tế trong trường hợp này sẽ bằng 2, tức là 2 chiếc áo Việt Nam đổi được một chiếc áo của Mỹ. Như vậy, sức cạnh tranh của áo Việt Nam tốt hơn so với áo Mỹ xét trên khía cạnh giá cả.
Tuy nhiên, trong thực tế, hai nền kinh tế sẽ sản xuất rất nhiều hàng hóa nên thay vì sử dụng giá của một loại hàng hóa để tính tỉ giá thực tế thì chúng ta sẽ phải sử dụng chỉ số giá của hai quốc gia để tính tỉ giá thực tế.
Công thức
Công thức tính tỉ giá thực tế sẽ là:
Er = (En x Pf)/Pd
Trong đó:
Er là tỉ giá thực tế
En là tỉ giá danh nghĩa (số nội tệ đổi lấy một ngoại tệ)
Pf là chỉ số giá hàng nước ngoài
Pd là chỉ số giá hàng trong nước
Với cách định nghĩa như vậy thì tỉ giá thực tế sẽ cho biết tỉ lệ giữa giá hàng nước ngoài trên giá hàng trong nước, hay bao nhiêu hàng trong nước đổi lấy được một hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng như trường hợp của tỉ giá danh nghĩa, cái chúng ta quan tâm không phải là con số cụ thể của tỉ giá thực tế mà là sự thay đổi tương đối của mức tỉ giá này theo thời gian bởi điều đó mới phản ánh sự thay đổi của sức cạnh tranh về giá của hàng hóa hai quốc gia.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế vĩ mô của nền kinh tế mở, ĐH Kinh tế Quốc dân)