Thuyết nhu cầu đạt được (Acquired Needs Theory) của David McClelland là gì?
Mục Lục
Thuyết nhu cầu đạt được
Thuyết nhu cầu đạt được trong tiếng Anh là Acquired Needs Theory.
Thuyết nhu cầu đạt được của David McClelland đề xuất rằng nhu cầu của một người là kết quả họ đạt được từ những trải nghiệm bản thân.
Khi nghiên cứu nhu cầu của nhiều cá nhân khác nhau, McClelland thấy rằng có thể phân loại chúng thành thành tựu, quyền lực hoặc liên kết. Điều này có nghĩa là mỗi người đều có khát vọng đạt được thành tựu, quyền lực hoặc sự liên kết; và thú vị là trong ba nhu cầu đó, có một nhu cầu thúc đẩy họ mạnh hơn hai nhu cầu còn lại.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ có mối quan hệ gắn bó và yêu thương với cha mẹ, khi lớn lên nó có thể phát triển nhu cầu liên kết. Nếu được khuyến khích hành động độc lập và được khen thưởng vì thành công khi còn bé, cá nhân có thể có nhu cầu về thành tựu. Tương tự, nếu thích làm chủ và kiểm soát những đứa trẻ khác khi còn nhỏ, cá nhân có thể phát triển nhu cầu quyền lực.
Do đó, hành vi của một người tại nơi làm việc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhu cầu có ý nghĩa nhất với anh ta/ cô ta.
Ba nhu cầu theo thuyết nhu cầu đạt được
Nhu cầu thành tựu
Nhu cầu thành tựu có ảnh hưởng lớn nhất với những ai khao khát trở nên xuất sắc và nổi trội hơn người khác. Những người này không theo đuổi quyền lực hay sự tán dương; mà chú trọng vào thành công. Họ thích những công việc có cơ hội thành công vừa phải (khoảng 50/50) và có xu hướng tránh các tình huống có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao.
Họ tránh các tình huống rủi ro thấp vì chúng có thể được hoàn thành dễ dàng và tin rằng đó không phải là thước đo cho thành công thực sự. Họ tránh những tình huống rủi ro cao vì sợ rằng thành tích đạt được phần nhiều dựa vào may mắn hơn là nỗ lực thực sự.
Những người có nhu cầu thành tựu cao hợp tác tốt với nhau; quản lí nên giao cho họ những công việc có tính thử thách, với các mục tiêu có thể đạt được; và thường xuyên phản hồi tiến độ công việc cho họ.
Nhu cầu quyền lực
Những người có nhu cầu cao về quyền lực theo đuổi quyền lực và sự phục tùng; không quan tâm tới sự tán thành và công nhận của người khác. Họ nên được trao cơ hội quản lí người khác.
Những người theo đuổi quyền lực cá nhân có mong muốn mạnh mẽ nhằm kiểm soát người khác; khiến mọi người hành xử phù hợp với mong muốn của mình. Ví dụ, Shawn có nhu cầu cao về quyền lực cá nhân và thường thao túng nhân viên để làm việc cho anh ta; rồi sau đó cướp công.
Mặt khác, những người theo đuổi quyền lực xã hội hoặc quyền lực tổ chức sử dụng quyền lực để huy động các nỗ lực thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Người quản lí có nhu cầu cao về quyền lực xã hội tạo ra hiệu quả công việc cao hơn nhiều so với người có nhu cầu cao về quyền lực cá nhân.
Nhu cầu liên kết
Được người khác thích là mục tiêu chính của những người có nhu cầu cao về sự liên kết. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc được tán thành hơn là được công nhận hoặc quyền lực; và do đó sẽ hành động theo cách mà họ tin rằng sẽ thu được sự tán thành của người khác. Họ cũng có xu hướng tránh xung đột; thích các mối quan hệ thân thiện, và chấp nhận hi sinh cá nhân vì người khác.
Những người theo đuổi sự liên kết thích làm việc theo nhóm và vui vẻ tuân thủ các qui tắc của nhóm. Họ phát triển tốt trong những tình huống có thể tương tác với người khác và có cơ hội xây dựng các mối quan hệ cá nhân gần gũi. Do đó, nhà quản lí nên cung cấp cho họ cơ hội làm việc trong môi trường hợp tác tốt.
(Theo study.com)