Thuyết bất hoà nhận thức (Cognitive Dissonance Theory) là gì? Ứng dụng trong quản lí
Mục Lục
Thuyết bất hoà nhận thức
Thuyết bất hoà nhận thức trong tiếng Anh được gọi là Cognitive Dissonance Theory.
Thuyết bất hoà nhận thức, được phát triển bởi Leon Festinger (1957), quan tâm đến các mối quan hệ giữa các nhận thức.
Theo thuyết bất hoà nhận thức, các cá nhân có xu hướng tìm kiếm sự nhất quán giữa các nhận thức của họ (niềm tin, ý kiến).
Khi có sự không nhất quán giữa thái độ hoặc hành vi (bất hòa), thái độ hoặc hành vi sẽ phải thay đổi để loại bỏ sự bất hòa. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa thái độ và hành vi, rất có thể thái độ sẽ thay đổi để thích ứng với hành vi.
(Theo theorizeit)
Thái độ thường dẫn đến hành vi, nhưng đôi khi hành vi lại ảnh hưởng đến thái độ do quá trình bất hòa nhận thức.
Bất hoà nhận thức là bất kì sự không tương hợp mà cá nhân có thể nhận thấy giữa các thái độ của anh ta hoặc giữa thái độ và hành vi.
Sự không tương hợp tạo ra sự khó chịu, không thoải mái và khi đó cá nhân sẽ cố gắng làm giảm sự bất hòa, cá nhân sẽ theo đuổi tình trạng cân bằng tại đó sự bất hòa là nhỏ nhất
Mong muốn làm giảm sự bất hòa được xác định bằng
- Tầm quan trọng của các nhân tố tạo ra sự bất hòa: khi chúng ta cho rằng yếu tố tạo bất hòa là không quan trọng thì chúng ta sẽ không phải chịu áp lực này.
Nếu ca sĩ cho rằng không đóng thuế thu nhập cũng chẳng có gì quan trọng thì tự khắc họ không cảm thấy áp lực với hành vi trốn thuế của mình.
- Niềm tin của cá nhân về mức độ ảnh hưởng của họ đối với các nhân tố tạo ra sự bất hòa: nếu nhận thấy sự bất hòa là kết quả không thể kiểm soát được, thì hiếm khi chúng ta chấp nhận thay đổi thái độ.
Như trong trường hợp của ca sĩ, nếu trốn thuế không do họ kiểm soát mà do bầu sô hay nhà quản lí làm thì họ sẽ không cảm thấy có tội.
- Các phần thưởng có thể nhận được trong sự bất hòa: nếu đi kèm với bất hòa là một phần thưởng rất có giá trị thì chúng ta có khuynh hướng giảm áp lực cố hữu về bất hòa.
Khi ca sĩ trốn thuế, họ nhận thấy sẽ tiết kiệm được số tiền quá lớn. Số tiền này có thể làm cho họ không còn cảm thấy áy náy về hành vi trốn thuế của mình.
Ứng dụng trong quản lí
Vậy nhà quản lí áp dụng lí thuyết bất hòa này trong tổ chức như thế nào?
Lí thuyết này giúp họ dự báo xu hướng cam kết thay đổi hành vi và thái độ. Khi áp lực của bất hòa càng lớn, nếu tổ chức biết quân bình với tầm quan trọng của nhân tố tạo ra sự bất hòa, mức độ ảnh hưởng của cá nhân đối với các nhân tố và phần thưởng có được từ sự bất hòa, thì áp lực bất hòa sẽ ngày càng giảm.
Ví dụ, nhiều nhân viên làm việc trong các nhà máy sản xuất thuốc lá cảm thấy có sự bất hòa rất lớn giữa công việc và những tác hại do thuốc lá gây ra cho xã hội.
Như vậy, nhà quản lí cần phải tìm cách để giảm sự bất hòa này bằng các hoạt động hỗ trợ cho xã hội từ nguồn lợi do kinh doanh thuốc lá đem lại, hoặc tạo điều kiện làm việc và chính sách tiền lương để động viên được nhân viên.
(Tài liệu tham khảo: Thuyết bất hoà nhận thức, Đại học Duy Tân)