Thuế môi trường (Environmental Taxes) là gì? Phân loại và nguyên tắc tính thuế
Mục Lục
Thuế môi trường
Thuế môi trường trong tiếng Anh gọi là: Environmental Taxes.
Thuế môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước, nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu của thuế môi trường là tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ những người gây ra ô nhiễm và làm thiệt hại cho xã hội để bù đắp các chi phí xã hội.
Các loại thuế môi trường
Có nhiều loại thuế môi trường khác nhau:
Thuế ô nhiễm, thuế đầu vào, thuế sản phẩm, thuế phân biệt, thuế năng lượng...
- Thuế ô nhiễm thường tính trên lượng chất ô nhiễm không có khả năng xử lí như thuế CO2.
- Thuế đầu vào được tính dựa trên lượng hàng hóa thực tế đã xác định gây ô nhiễm (thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp... ).
- Thuế sản phẩm thu từ người tiêu dùng khi họ mua các sản phẩm gây ô nhiễm (xăng, dầu, khí đốt... ).
- Thuế phân biệt áp dụng đối với một số sản phẩm tiềm năng gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường (xăng pha chì, thuốc lá... ).
- Thuế năng lượng áp dụng với các nhiên liệu hóa thạch và các loại năng lượng thương mại khác.
Thuế môi trường có thể chia thành 2 loại: Thuế gián thu và thuế trực thu.
- Thuế gián thu đánh vào giá trị sản phẩm hàng hóa gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
- Thuế trực thu đánh vào lượng chất thải độc hại đối với môi trường do cơ sở sản xuất gây ra (như thuế CO2, SO2, thuế do hoạt động khai thác khoáng sản). Ở đây, cần phân biệt thuế môi trường với phí môi trường.
Ở lĩnh vực mà thiệt hại môi trường rất khó đo đếm được, thuế môi trường có thể được tính trên tổng doanh thu về sản phẩm của hoạt động sản xuất.
Nguyên tắc tính thuế
Việc tính thuế môi trường thường được thực hiện trên cở sở các nguyên tắc:
- Hướng vào mục tiêu phát triển bền vững và chính sách, kế hoạch môi trường cụ thể của quốc gia;
- Người gây ô nhiễm phải trả tiền;
- Mức thuế và biểu thuế phải căn cứ vào các tiêu chuẩn môi trường của quốc gia và các thông lệ quốc tế.
Việc ban hành thuế môi trường phải do Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành.
(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang quản lí môi trường, Lưu Đức Hải, NXB Giáo dục)