Thiết kế theo khu vực toàn cầu (Global area design) là gì?
Mục Lục
Thiết kế theo khu vực toàn cầu
Thiết kế theo khu vực toàn cầu trong tiếng Anh gọi là: Global area design.
Thiết kế theo khu vực toàn cầu là thiết kế tổ chức toàn cầu, trong đó, tổ chức các hoạt động trong công ty xoay quanh những khu vực hay vùng đặc trưng của thế giới.
Ưu và nhược điểm
Phương pháp này đặc biệt có ích cho các công ty thực hiện triết lí kinh doanh đa tâm hoặc đa quốc gia. Thiết kế theo khu vực toàn cầu thường không được sử dụng trong công ty có các sản phẩm chưa sẵn sàng cho việc chuyển giao qua các khu vực.
Như được thể hiện trong hình sau, Cadbury Schweppes PLC, một công ty Anh chuyên sản xuất nước giải khát và kẹo đang sử dụng thiết kế theo khu vực toàn cầu. Cadbury sở hữu nhiều thương hiệu như Canada Dry, Hires, Holland House, Cadbury Chocolate, và Beechnut.
Công ty có năm bộ phận cơ bản, mỗi bộ phận đại diện cho một khu vực khác nhau trên thế giới - Vương quốc Anh, các nước Châu Âu, Châu Á Thái Bình Dương, Bắc và Nam Mỹ, và các nước khác.
Các nhà quản trị của mỗi bộ phận khu vực điều hành phân phối, khuyến mãi, quảng cáo, và các hoạt động khác cho toàn bộ các sản phẩm Cadbury Schweppes ở các thị trường riêng.
Thiết kế theo khu vực toàn cầu đặc biệt có ích cho công ty có chiến lược kinh doanh thiên về marketing hơn là thiên về hiệu quả sản xuất hoặc cải tiến công nghệ, hoặc dành cho công ty có sức mạnh cạnh tranh nằm ở danh tiếng của thương hiệu các sản phẩm.
Cả hai điều kiện đó đều được áp dụng cho Cadbury Schweppes. Hơn thế nữa, sự tập trung vào vị trí địa lí của thiết kế cho phép công ty phát triển sự am hiểu về thị trường địa phương.
Các nhà quản trị khu vực có thể tự do thay đổi các sản phẩm của công ty sao cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu địa phương và có thể nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi trong thị trường địa phương. Các nhà quản trị khu vực cũng có thể sửa đổi hệ sản phẩm được bán tại một khu vực.
Ví dụ, các nhà quản trị của Cadbury Schweppes không bán tất cả sản phẩm công ty cho tất cả khu vực, thay vào đó chỉ khuếch trương một số sản phẩm phù hợp với thị hiếu và sở thích địa phương.
Tuy nhiên, thiết kế theo khu vực toàn cầu có những khuyết điểm. Bằng cách tập trung vào nhu cầu của thị trường khu vực, công ty có thể hi sinh tính hiệu quả trong chi phí sản xuất toàn cầu.
Sự phân tán của công nghệ cũng chậm chạp bởi vì các cải tiến được tạo ra bởi một bộ phận khu vực có thể không dễ thích nghi bởi các bộ phận khu vực khác. Do đó, thiết kế này có thể không phù hợp cho những dòng sản phẩm có sự thay đổi công nghệ diễn ra liên tục.
Hơn thế nữa, thiết kế theo khu vực toàn cầu sẽ ngốn gấp đôi các nguồn lực bởi vì mỗi bộ phận khu vực phải có những chuyên viên hoạt động riêng, những chuyên gia sản phẩm, và trong nhiều trường hợp là những nhà máy sản xuất riêng.
Và cuối cùng, thiết kế này sẽ khiến cho sự phối hợp giữa các khu vực trở nên tốn kém và không khuyến khích kế hoạch sản phẩm toàn cầu.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Cao học Quản trị kinh doanh quốc tế, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2017)