Thị trường các tổ chức Nhà nước (government organizational markets) là gì?
Mục Lục
Thị trường các tổ chức Nhà nước
Thị trường các tổ chức Nhà nước trong tiếng Anh tạm dịch là: government organizational markets.
Thị trường các tổ chức Nhà nước bao gồm những tổ chức của Chính phủ và các cơ quan địa phương, mua hay thuê những mặt hàng cần thiết để thực hiện những chức năng cơ bản theo sự phân công của chính quyền.
Chính phủ và cơ quan các cấp là lực lượng tiêu thụ rất lớn. Phần chi tiêu ngân sách mà tổ chức Nhà nước ở các cấp dành cho hoạt động của mình dưới hình thức hàng hóa hay dịch vụ hàng năm rất cao.
Với tư cách là người tiêu thụ hàng hóa, các tổ chức Nhà nước được những người cung ứng hàng hóa và dịch vụ đặc biệt quan tâm.
Tương tự thị trường các doanh nghiệp tư nhân, thị trường các tổ chức Nhà nước xét trên nhiều phương diện cũng giống với thị trường các doanh nghiệp sản xuất.
Song để đạt được sự thành công trên thị trường các tổ chức Nhà nước, người cung ứng hàng hóa phải nhận dạng được các nét khác biệt về người ra quyết định mua, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua và tiến trình mua thông qua việc giải đáp các câu hỏi cơ bản:
Ai là người tham gia vào thị trường các tổ chức Nhà nước? Họ phải thông qua các quyết định mua nào? Có những ảnh hưởng quan trọng nào tới người mua hàng của các tổ chức Nhà nước? Các tổ chức Nhà nước thông qua các quyết định mua hàng như thế nào?
Người tham gia vào tiến trình mua của các tổ chức Nhà nước
Các cấp tổ chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đảm nhiệm các chức năng xã hội giao phó cho họ. Họ bao gồm các tổ chức dân sự (các Bộ, ban ngành tổ chức hành chính các cấp); các tổ chức quân sự (Bộ Quốc phòng; binh chủng; quân chủng và tổ chức quân sự các cấp); các trường học, bệnh viện...
Các tổ chức nói trên thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, song hoạt động của họ đều ít nhiều liên quan tới thương mại với thể thức, thủ tục mua bán mang tính chất riêng biệt mà người cung ứng phải nghiên cứu.
Các quyết định mua của người mua là các tổ chức Nhà nước
Khi mua sắm hàng hóa và dịch vụ, mỗi tổ chức Nhà nước cần phải thông qua hàng loạt các quyết định: Mua các loại hàng hóa, dịch vụ nào? Trong mỗi loại số lượng mua là bao nhiêu? Mua của người cung ứng nào? Chi phí mua sắm là bao nhiêu? Cần yêu cầu các dịch vụ nào sau khi mua?
Vì bị giới hạn về tài chính nên các quyết định mua của các tổ chức Nhà nước dựa trên cơ sở có thể giảm tối đa phần chi tiêu của ngân sách dành cho họ. Do đo, các khách hàng là các tổ chức Nhà nước luôn có xu hướng tìm kiếm các nhà cung ứng thỏa mãn yêu cầu của họ với chi phí rẻ nhất.
(Tài liệu tham khảo: Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018)