Thanh lí tín dụng (Credit Liquidation) là gì ?
Mục Lục
Thanh lí tín dụng (Credit Liquidation)
Thanh lí tín dụng trong tiếng Anh gọi là Credit Liquidation.
Thanh lí tín dụng là nghiệp vụ xóa một khoản tín dụng tại Ngân hàng. Bên cạnh đó, đứng ở góc độ thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng thì thanh lí tín dụng là việc hoàn tất việc thực hiện hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng đi vay.
Như vậy, thanh lí tín dụng là hành vi hoặc quá trình giải trừ các nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng.
Hình thức thanh lí tín dụng
- Thanh lí tín dụng mặc nhiên: Đây là hình thức việc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng tín dụng khi khoản nợ đã được hoàn trả đầy đủ.
- Thanh lí tín dụng bắt buộc: Đây là hình thức ngân hàng dựa vào các cơ sở pháp lí để tìm kiếm các nguồn bù đắp nhằm xử lí nợ do khách hàng không tự giác thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Thanh lí tín dụng có liên quan chặt chẽ đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, cụ thể là thu nhập và sử dụng các khoản dự phòng, cũng như thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong quan hệ tín dụng. Vì thế, thanh lí tín dụng phải có những cơ sở khoa học và tuân thủ những qui định chặt chẽ của ngân hàng trung ương và các qui định khác của pháp luật.
Các phương pháp thanh lý tín dụng được áp dụng khi thanh lí bắt buộc gồm có:
- Xử lí bảo đảm tiền vay: Xử lí tài sản thế chấp cầm cố hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng tự hoặc uỷ thác cho công ty quản lí nợ và khai thác tài sản chủ động xử lí theo các hình thức: Tự bán công khai trên thị trường; bán qua trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; bán cho công ty mua bán nợ Nhà nước.
Lấy giá tài sản đảm bảo được định giá khi xử lí làm cơ sở thanh toán nợ gốc, lãi vay, lãi quá hạn của bên bảo đảm sau khi trừ các chi phí theo qui định. Đối với nợ có tài sản bảo đảm chưa bán được, ngân hàng có thể cải tạo sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, khai thác kinh doanh góp vốn liên doanh bằng tài sản thu hồi nợ.
- Thực hiện quyền truy đòi trong cho vay gián tiếp
- Thanh lí doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không còn khả năng phục hồi hoặc đã thực hiện các biện pháp tổ chức khai thác nhưng vẫn không thu hồi được nợ hoặc phân tích, đánh giá doanh nghiệp, tình hình hiện tại là không thể vẫn hồi.
Trong trường hợp này, ngân hàng chủ động tổ chức họp hội đồng chủ nợ, kiến nghị giải thể, phá sản doanh nghiệp thu hồi công nợ.
- Khởi kiện trong trường hợp khoản vay khó đòi, tồn đọng áp dụng các biện pháp xử lí tổ chức khai thác, xử lí tài sản thế chấp nhưng không thu hồi được nợ hoặc xảy ra tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng vay với bên thứ ba,...
Ngân hàng tiến hành các thủ tục khởi kiện con nợ và toà để thu hồi nợ, theo đúng trình tự tố tụng của pháp luật và uỷ quyền tổ tụng của tổng giám đốc ngân hàng.
- Nhượng bán các khoản cho vay. Ngân hàng tìm kiếm khách hàng để bán lại các khoản nợ có vấn đề với một tỷ lệ thích hợp.
Thường ngân hàng bán cho các tổ chức có chức năng mua bán nợ của Chính phủ hoặc của các ngân hàng thương mại hoặc uỷ thác cho công ty quản lí nợ và khai thác tài sản hoặc bán qua tư vấn của công ty quản lí nợ và khai thác tài sản hoặc trên thị trường.
- Xử lí bằng quỹ dự phòng rủi ro: Việc trích lập dự phòng rủi ro nhằm mục đích giúp các ngân hàng chủ động đối phó với các tổn thất dự kiến trên cơ sở phân loại nợ của các ngân hàng thương mại.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)